Trọng chức vụ hay chuyên môn?

TP - Tại hội thảo Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020 do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 22-12 tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ định hướng, các địa phương, các sở Nội vụ… cần tập trung phân tích kỹ liệu mức lương hiện nay và những mức lương trong đề án của Bộ đề xuất liệu có đủ đảm bảo cuộc sống của cán bộ công chức trong thời kỳ hội nhập không, ngân sách có gánh nổi hay không.

> Kiểm tra lương tại 25 đơn vị thuộc EVN
> Minh bạch lương lãnh đạo tập đoàn

Chúng tôi đề xuất 2 phương án: một là thiết kế bảng lương chức vụ đối với chức danh lãnh đạo từ bộ trưởng và tương đương trở lên và cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo. Các chức danh cán bộ lãnh đạo còn lại xếp lương cộng phụ cấp như hiện nay. Hai là, mỗi chức danh thiết kế một lương chức vụ. Nhưng vấn đề là nếu tăng lương chức vụ, sẽ phải giảm lương chuyên môn” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói.

Ông Hồ Ngọc An – GĐ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho rằng, mức lương 3,15 triệu/tháng như đề xuất cũng không thể đủ đảm bảo đời sống cho cán bộ công chức. Theo ông An cần xây dựng phụ cấp theo lương và lương chức vụ minh bạch. “Trong phần kết cấu tiền lương chưa thể hiện rõ mức lương cho từng chức vụ. Không thể để mức chênh lệch quá thấp giữa cấp trưởng và cấp phó như hiện nay được”.

Ông An lấy ví dụ, một GĐ sở, có quá trình công tác lâu năm, nhiều đóng góp nhưng đôi khi chênh lệch với cấp phó mới vào làm mấy năm chẳng là bao. Hoặc mức lương giữa Bí thư và phó bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ chênh nhau 83.000đồng/tháng. Ông An đề xuất, ít nhất phải có mức chênh lệch 30% mức lương giữa cấp phó và cấp trưởng.

Ông Đoàn Cường – Vụ trưởng Vụ tiền lương (Bộ Nội vụ) cho rằng, có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc nên tiếp tục giữ mức lương cho chuyên môn hay xây dựng mức lương chức vụ và ý kiến số đông sẽ quyết định điều này. Sắp tới hội thảo sẽ được tổ chức tại Hà Nội, tổng hợp ý kiến để hoàn thành đề án trình Chính phủ vào tháng 4-2013.

Theo Báo giấy