Trồng cao su nhưng lại xâm hại rừng

TP - Năm 2005, ông Trần Văn Khanh được điều về làm Giám đốc Cty Bình Dương (nay là Cty TNHH MTV Bình Dương đóng trên địa bàn tỉnh Gia Lai), đến tháng 5/2012, ông chuyển đi khỏi đơn vị này. Gần 8 năm ở đây ông Trần Văn Khanh đã biến Cty này thành đơn vị thua lỗ, nợ nần, đặc biệt tự ý phá hàng nghìn ha rừng để trồng cao su.

> Ngậm ngùi cao su
> 'Kẻ khóc người cười' trong ngành cao su

Tự ý chuyển đổi đất lâm nghiệp

Năm 2010 và 2011, UBND tỉnh Gia Lai giao 4 quyết định thu hồi đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Ia Puch và cho Cty Bình Dương thuê đất để trồng cao su tại huyện Chư Prông, Gia Lai, tổng diện tích 2.774 ha. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác thực hiện khá nghiêm chỉnh chủ trương chuyển đổi đất lâm nghiệp trồng cao su thì Cty Bình Dương dưới sự lãnh đạo của ông Trần Văn Khanh đã cố tình làm sai.

Ngày 27/4/2010 và ngày 7/7/2010, UBND tỉnh có 2 quyết định thu hồi 840,6 ha đất của BQL RPH Ia Puch cho Cty Bình Dương thuê để trồng cao su tại xã Ia Me, huyện Chư Prông, trong đó có 80 ha là đất lâm nghiệp chưa có rừng, còn lại hơn 760 ha là đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên nghèo. Thế nhưng, khi triển khai thực hiện dự án này, Cty Bình Dương chỉ trồng 529 ha cao su trong vùng dự án. Diện tích đất lâm nghiệp rộng khoảng 700 ha lân cận không được UBND tỉnh Gia Lai cho phép chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su đã bị Cty Bình Dương cho san phẳng trồng 474 ha cao su ra ngoài ranh giới, địa phận được giao đất.

Tương tự, tại tiểu khu 935, 936, xã Ia Puch, Chư Prông, Cty Bình Dương trồng 184 ha ra ngoài khu vực cho phép. Tại tiểu khu 925, 932, xã Ia Puch, Cty trồng ngoài khu vực cho phép là 71 ha.

Trong số hơn 700 ha cao su trồng xâm lấn đất rừng trên, cho đến nay có khoảng 330 ha vườn cây kém chất lượng, không phát triển. Nếu bình quân mỗi ha cao su đầu tư đến nay khoảng 70 triệu đồng thì số diện tích mà Cty Bình Dương phá rừng để trồng ra ngoài quy hoạch gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Tại Quyết định 746 năm 2009 của UBND tỉnh Gia Lai ban hành quy định trình tự, thủ tục trồng cao su trên đất lâm nghiệp nêu rõ: “Không được lấy đất dân đang sản xuất và đất đã được giao khoán bảo vệ rừng theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg, không xâm phạm khu vực mồ mả của dân…trồng cao su cách mép sông suối tối thiểu 50m, cách đường liên huyện tối thiểu 100m”.

Thế nhưng qua kiểm tra tại Cty Bình Dương, đoàn liên ngành có sự tham gia của Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai phát hiện tại địa bàn xã Ia Me, mép suối Tải và suối Ia Mơ, Cty này đã không chừa đất lại cho dân theo quy định.

Cty đã sử dụng một phần diện tích đất được giao trồng cao su để xây dựng nhà đội và chia cho 31 hộ công nhân xây dựng nhà ở khi chưa lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Tại khu vực xã Ia Puch, Cty Bình Dương cũng tự ý chia cho 89 hộ gia đình công nhân dựng nhà ở.

Chủ rừng và chính quyền địa phương im lặng?

Nếu tính theo tỉ lệ sử dụng đất UBND tỉnh Gia Lai giao cho Cty Bình Dương 2.774 ha, Cty trồng được hơn 2.000 ha (trong quy hoạch), đồng nghĩa với hệ số sử dụng đất đạt khoảng 70%, thì con số hơn 700 ha cao su mà Cty này trồng xâm lấn ra ngoài quy hoạch, buộc phải phá hàng nghìn
ha rừng.

Tại QĐ 746/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã giao cụ thể: “Chủ rừng, chính quyền địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát khai thác tận dụng lâm sản của chủ đầu tư; quản lý chặt chẽ diện tích rừng giáp ranh với khu vực được phép khai thác tận dụng lâm sản”.

Thế nhưng, vừa qua, khi chúng tôi đặt vấn đề làm việc với lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Ia Puch, cũng như UBND huyện Chư Prông, cả hai cơ quan đều không biết gì về việc hàng ngàn ha rừng đã bị chuyển đổi sang trồng cao su này?! Lãnh đạo BQLRPH Ia Puch chỉ xác nhận Cty Bình Dương có xâm hại khoảng 120 ha rừng trên địa bàn, nhưng do chưa đo đạc cụ thể nên BQL không rõ.

Làm việc với Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai, hai cơ quan này cũng không nắm được việc có hàng nghìn ha đất lâm nghiệp đã mất. Ngày 7/11/2013 Sở NN&PTNT có văn bản báo cáo UBND tỉnh Gia Lai và các cơ quan chức năng về việc Cty Bình Dương trồng 248,6 ha cao su ra ngoài phạm vi, ranh giới, diện tích được giao đất ở Ia Puch, còn diện tích 474 ha cao su trồng ngoài phạm vi, ranh giới giao đất ở xã Ia Me không thấy 2 sở này nhắc tới.

Việc Cty Bình Dương xâm hại hàng nghìn ha đất lâm nghiệp có rừng để trồng cao su, đồng nghĩa với việc hàng nghìn khối gỗ được khai thác. Số gỗ này tiêu thụ thế nào cũng cần làm sáng tỏ.

Ngày 18/11, UBND tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và thực hiện chuyển rừng nghèo sang trồng cao su của các doanh nghiệp trong đó có Cty Bình Dương. Đoàn kiểm tra tập trung vào các nội dung như: Công tác quy hoạch, khảo sát, lập dự án; Hiệu quả sử dụng đất chuyển đổi để trồng cao su; Thực hiện trồng cao su theo quy định về ranh giới; Công tác khai thác tận thu gỗ; Thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Theo Báo giấy