Vụ đắm đò thảm khốc
Chà Lum, tiếng Thái có nghĩa là vực xoáy. “Khi khai mường lập bản, tên Chà Lum được đổi thành Chôm Lôm, một đơn vị hành chính của xã Lạng Khê, huyện miền núi Con Cuông”, Chủ tịch xã Vi Đình Tuyển nói. Mùa mưa bão năm 2006, nhiều bản làng miền Tây Nghệ An bị lũ cô lập. Sáng 7/10 tôi nhận được điện thoại của anh Phùng Văn Mùi, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Con Cuông. Ông Mùi nói gấp gáp: “Chìm đò ở Lạng Khê, gần 20 học sinh mất tích”. Vội vã lên xe đội mưa vượt hơn 100 cây số chạy về Chôm Lôm, từ khúc cua dốc Chó nhìn xuống thấy dòng sông đục ngầu, nước réo ầm ầm. Dọc bờ sông, từng đoàn người sục sạo vách đá, bụi lau tìm kiếm các em học sinh. Tại bến Chôm Lôm, nhiều bà mẹ vật vã khóc. Những con thuyền máy chạy ngược, xuôi trên khúc sông lạnh. Xã Lạng Khê hôm đó công bố con số đau lòng: 19 em học sinh cấp 2 chết và mất tích, con đò chở học sinh cũng mất hút giữa thác lũ cuồn cuộn.
Lạng Khê thiệt mạng.
Gần một tuần mì tôm, cơm nguội liên hoàn, chúng tôi bám trụ đất Lạng Khê tác nghiệp trong điều kiện hết sức tồi tệ: Mất điện, nghẽn mạng. Trong căn phòng chật chội nhà khách Ủy ban huyện, hàng chục phóng viên đứa mỏi mệt ngủ vùi, đứa thắp nến, soi đèn pin gõ bài. Có bữa anh em phải mang máy tính ra ngồi ở bậc thềm bưu điện hóng ánh sáng cao áp, có bữa chạy vô Vườn quốc gia Pù Mát nhờ bác Nhàn giám đốc cứu viện, bật máy nổ truyền tin. Chỉ mấy ngày sau vụ đắm đò kinh hoàng chấn động cả nước, hàng trăm đoàn cứu trợ khắp mọi miền kéo về Con Cuông chia sẻ với mất mát của gia đình 19 em học sinh tử nạn. Ngoài nhiệm vụ cập nhật thông tin thời sự, PV báo Tiền Phong còn tham gia cứu trợ các gia đình bị nạn, chung tay xoa dịu cơn đau Chôm Lôm.
Bến Chôm Lôm nằm cạnh dốc núi dựng đứng. Dòng chảy sông Lam đến quãng này đột ngột đổi hướng Đông Nam, hình thành vực xoáy tử thần. “Có lần tôi chèo thuyền độc mộc chở hai người, vừa ra giữa dòng thì bị cuốn vào miệng vực, xoáy nước nuốt trọn cả chiếc thuyền dài hơn chục mét. Rất may là cả ba người đều biết bơi, thoát chết”, ông Hà Mạnh Luyến trú tại bản Chôm Lôm kể. Kinh nghiệm của người dân Lạng Khê mỗi khi bị rơi vào xòng xoáy là cứ “để nước cuốn đi”, càng chống lại xoáy nước càng nguy hiểm, sức người không thể thắng nổi sức nước. Lặn sâu xuống, nương theo dòng xoáy rồi thoát ra mới có cơ may thoát hiểm. Nhưng có người giỏi bơi lội, lão luyện sông nước, lâm nạn ở Chôm Lôm vẫn chết như thường. Có người đi mò cua bắt ốc, chết; đặt rớ bắt tôm, chết; bơi qua sông bị cuốn vào vòng xoáy, chết. Các bậc cao niên ở Lạng Khê kể rằng hầu như năm nào ở Chôm Lôm cũng có người đuối nước, mỗi vụ Hà bá thường lấy đi 2 mạng, đã có hơn 49 người tử nạn vì đắm đò, chết đuối trên khúc sông này. Nửa đêm chong đèn trên bến sông nghe tiếng vạc khắc khoải lưng chừng trời, nghe gió thổi giữa đêm trăng hoang lạnh, rùng mình, sởn gai…
Thảm cảnh chìm đò, đuối nước tại Chôm Lôm sẽ còn tiếp diễn nếu người dân nơi đây tiếp tục qua sông trên những con đò mỏng manh. Mỗi ngày, hàng trăm em học sinh phải đi đò qua sông, tai nạn rình rập. Cần lắm một cây cầu dân sinh cho bà con Chôm Lôm qua lại. Ban Biên tập báo Tiền Phong do Tổng Biên tập Dương Kỳ Anh chủ trì họp bàn, thống nhất mở cuộc vận động quyên góp tiền xây cầu. Được giao nhiệm vụ kết nối với lãnh đạo địa phương, tôi gọi điện hỏi ý kiến ông Phan Đình Trạc - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. “Sáng kiến của báo rất nhân văn, tỉnh Nghệ An nhất trí phối hợp với báo Tiền Phong mở cuộc vận động xây cầu Chôm Lôm. Đây sẽ là nhịp cầu đoàn kết, nhịp cầu tình nghĩa”, ông Phan Đình Trạc nói.
Ngày 13/10/2006, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An ra thông báo số 161 giao Tỉnh Đoàn và Đài PT-TH hưởng ứng sáng kiến của báo Tiền Phong, tổ chức cầu truyền hình nhân đạo kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ. Cuộc vận động của báo Tiền Phong không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà doanh nghiệp, mà còn được đông đảo bạn đọc hưởng ứng. Nhiều em học sinh nhịn ăn sáng góp tiền xây cầu; có cụ già lưng còng tóc bạc chống gậy đến góp số tiền ít ỏi dành dụm được. Cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, sau 4 tháng phát động đã quyên góp được hơn 4,3 tỷ đồng. Ngày 21/12/2006, tỉnh Nghệ An ký quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Ngày 2/2/2007 phê duyệt kết quả thầu dự án. Đầu năm 2007, khởi công xây dựng cầu Chôm Lôm cách bến đò cũ 125m về phía thượng lưu. Cầu dài 167m, rộng 2,2m, gồm nhịp treo và hai nhịp dẫn, có thể chịu được tải trọng xe ô tô 2,5 tấn. Sau 9 tháng gấp rút thi công, ngày 10/11/2007 cầu treo Chôm Lôm hoàn thành, nối nhịp đôi bờ sông Lam.
Trở lại Chôm Lôm
Tròn 10 năm sau cuộc vận động xây cầu Chôm Lôm, công trình mang dấu ấn của báo Tiền Phong, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc trong chuyến công tác tại huyện miền núi Con Cuông ngày 10/11 vừa rồi cùng chúng tôi trở lại mảnh đất này. Từ quốc lộ 7A rẽ vào chừng 100m đã đến mố cầu Nam. Trước khi có cầu treo bắc qua sông, quanh bản Chôm Lôm chỉ có đường đất. Mỗi khi mưa xuống, lũ về, trên sông vực xoáy rình rập, trong bản thì bùn lầy khiến giao thông trắc trở. Có cầu, đường vào bản được đổ bê tông, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Bí thư xã Lạng Khê Lô Thị Thủy bảo: “Mười năm nay, bản Chôm Lôm không có vụ đắm đò nào nữa. Chiếc cầu thực sự cứu được nhiều mạng người. Học sinh bản Chôm Lôm hằng ngày qua sông đến Trường THCS Lạng Khê không phải đi đò, không còn cảnh thót tim chèo đò vật lộn với nước lũ hung dữ. Hơn thế, chiếc cầu treo còn mang lại sức sống mới cho bà con dân bản Chôm Lôm, cho cả xã Lạng Khê. Người dân yên tâm đi lại, hàng hóa nông sản vận chuyển dễ dàng, thuận tiện”.
Gió lồng lộng phả ra từ thung lũng Chôm Lôm, bên kia sông san sát nhà sàn nép mình trong trưa nắng yên lành. Tôi đau đáu nhìn về bến Chôm Lôm, ám ảnh khoảnh khắc đầu tiên khi đặt chân đến bến sông này sau khi xảy ra vụ đắm đò. Cách bờ chừng 30 m là xoáy nước tử thần, nơi nhấn chìm con đò chở gần 50 em học sinh trong buổi sáng định mệnh. Cuộc kiếm tìm vô vọng cả tuần lễ sau đó cũng chỉ vớt được 13 thi thể, 6 học sinh vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông. Chỗ xoáy nước ngày xưa, bây giờ đùn lên một doi cát. Con đò xấu số sau hơn 2.000 ngày mất hút bỗng nhiên được tìm thấy vào năm 2014, nó bị nước đưa sang bãi cát bên kia sông, đối diện với mỏ tôm Chôm Lôm cách hiện trường vụ tai nạn chưa đầy trăm sải tay. Cha con người lái đò, ông Lô Quốc Phong và con trai Lô Văn Nghiệp mãn hạn tù trở về quê nội Châu Khê, bỏ nghề sông nước. Nghiệp (SN 1985) đang làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Malaysia.
Ông Lộc Minh Tỵ giữ chức trưởng bản hơn mười năm nay. “Chôm Lôm có 185 hộ, 815 nhân khẩu. Dân bản bây giờ không còn ru rú ở xó rừng như trước, không trông chờ vào ba ruộng lúa, nương mía, trai trẻ lớn lên hầu hết đều kiếm nghề đi làm ăn xa”, trưởng bản Chôm Lôm cho hay. Con trai của trưởng bản Tỵ là Lộc Vĩnh Thêu, chàng sinh viên bất chấp nguy hiểm dũng cảm lao xuống dòng lũ cứu sống 5 em học sinh thoát chết trong vụ đắm đò, sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Thêu trở về Chôm Lôm, nay trở thành Bí thư Đoàn xã Lạng Khê. Trong số 19 học sinh tử nạn buổi sáng định mệnh năm ấy, có ba cặp là anh, chị em ruột. Dọc ngõ nhỏ qua nhà trưởng bản Lộc Minh Tỵ, có đến 7 gia đình mất con. Ông Hà Mạnh Luyến có con gái Hà Thị Thân (SN 1992) ra đi trong vụ đắm đò, trầm ngâm: “Sau vụ tai nạn, dân bản đưa các cháu về yên nghỉ ở triền đồi Chôm Lôm, 13 cháu quây quần bên nhau như ngày còn đi học. Những cháu không tìm thấy cũng có mộ phần để hương khói. Nếu nhìn thấy bản làng Chôm Lôm đầm ấm, nhiều đổi thay như bây giờ, hẳn các thiên thần bé nhỏ cũng thanh thản, yên lòng!”.
Mười năm, vết thương vụ đắm đò thảm khốc dần nguôi ngoai. Chiếc cầu treo qua 10 năm sử dụng nay đã xuống cấp. Thăm lại cầu Chôm Lôm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Chủ tịch tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc yêu cầu địa phương khẩn trương khắc phục, sửa chữa để bà con Lạng Khê yên tâm đi lại. UBND huyện Con Cuông cho biết sẽ đầu tư 1,5 tỷ đồng, cầu treo Chôm Lôm sẽ được sửa chữa vào cuối năm 2017.