Triều Tiên muốn cứu vãn cuộc gặp, vì sao?

TP - Từ khi trở thành nhà lãnh đạo trẻ và chưa qua thử thách của Triều Tiên 7 năm trước, ông Kim Jong-un nhiều lần hứa mang lại một tương lai không thiếu thốn cho người dân.
Lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau bất ngờ hôm 26/5 nhằm cứu vãn cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến ngày 12/6. Ảnh: Korea Times.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị lãnh đạo, ông nói trước người dân của mình rằng họ sẽ không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa. Năm ngoái, ông xin lỗi trước cả nước khi đã không thể thực hiện cam kết đó. 

Năm nay, ông công bố sự dịch chuyển mới đối với 25 triệu dân Triều Tiên: Đất nước giờ đã có kho vũ khí hạt nhân nên có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng nền kinh tế thịnh vượng, sau nhiều năm bị cấm vận quốc tế. 

Vì thế nên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột tuyên bố hôm 24/5 rằng sẽ hoãn cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 12/6, Triều Tiên đưa ra phản ứng ôn hòa và đầy tính ngoại giao, bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ vẫn diễn ra.

Một dấu hiệu cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh này quan trọng như thế nào với ông Kim là sự kiện nhà lãnh đạo này có cuộc gặp đột xuất hôm 26/5 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nơi ông  bày tỏ ý chí kiên định sẽ cứu vớt cuộc gặp. 

Theo giới phân tích, một phản ứng chừng mực trước nguy cơ cuộc gặp bị hủy và một nỗ lực ngoại giao khác thường là chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy ông Kim không chỉ muốn, mà thực sự cần một thỏa thuận với Mỹ.

“Triều Tiên vẫn có thể tồn tại trước các biện pháp cấm vận, đặc biệt nếu Trung Quốc giúp. Nhưng chừng nào các biện pháp trừng phạt vẫn còn, ông Kim Jong-un không thể mang lại sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà ông ấy hứa với người dân của mình”, báo Mỹ New York Times dẫn đánh giá của ông Shin Beom-chul, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul.

Việc ông Kim thể hiện mong muốn gặp ông Trump ngay cả sau hàng loạt biến động gần đây không có nghĩa là nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn lòng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân như đòi hỏi của Mỹ. 

Các nhà phân tích cho rằng dù các biện pháp cấm vận đau đớn đến đâu thì ông Kim cũng không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi có một hiệp ước giúp ông cảm thấy an toàn tuyệt đối khi không có vũ khí hạt nhân. Bảo đảm chế độ ở Bình Nhưỡng là một ưu tiên không thể mang ra đàm phán. 

Triều Tiên nhấn mạnh rằng họ muốn sự bảo đảm an ninh và sẽ không đánh đổi vũ khí hạt nhân lấy mỗi lợi ích kinh tế. Họ cũng bác bỏ những ý kiến rằng họ chịu sức ép phải đối thoại vì bị cấm vận và họ cũng không chờ Mỹ giúp đỡ để phát triển kinh tế. 

Thực tế là kinh tế Triều Tiên tăng trưởng ở mức 1-5% mỗi năm trong những năm ông Kim lãnh đạo nhờ việc thực hiện cơ chế kinh tế thị trường một cách hạn chế và những lỗ hổng trong triển khai các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc (LHQ). 
Nhưng các nỗ lực ngoại giao gần đây cho thấy ông Kim có thể đang chịu sức ép phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của người dân Triều Tiên về việc phải tiếp tục đạt được các thành tựu kinh tế và gỡ bỏ những kìm kẹp cấm vận đau đớn. 

Thay đổi hình ảnh

Dù bị bên ngoài nhìn nhận là người chỉ thích vũ khí hạt nhân nhưng ở trong nước ông Kim quyết trở thành gương mặt của sự đổi mới, hiện đại và cởi mở. Ông đã cho xây những tòa nhà mới, sơn lại những tòa nhà cũ ở thủ đô Bình Nhưỡng; tham dự buổi biểu diễn của một ban nhạc nữ Hàn Quốc và để dàn nhạc quốc gia biểu diễn nhạc pop của Mỹ. 
Ông Kim cũng cử các quan chức của đảng sang Trung Quốc học chính sách kinh tế, và thậm chí từng thừa nhận một số thất bại trong thời kỳ lãnh đạo của mình như vụ phóng vệ tinh thất bại năm 2012. 

Theo giới phân tích, dù đã nỗ lực rất nhiều nhằm xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có mục tiêu, ông Kim vẫn không thể đi xa vì các biện pháp cấm vận.     

Những người mới đến thăm Triều Tiên kể lại rằng Bình Nhưỡng ngày nay trông đã khá giả và nhiều màu sắc hơn so với chục năm trước, với những cửa hàng bán khá nhiều thực phẩm chế biến nhập khẩu và sản xuất trong nước. Nhưng theo thông tin từ các cơ quan cứu trợ của LHQ, điều kiện ở những địa phương ngoài thủ đô vẫn rất ảm đạm, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ nuôi con nhỏ còn phổ biến.

Ông Kim Jong-un tin rằng cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là cơ hội mang tính bước ngoặt để chấm dứt những thập kỷ chiến tranh và đối đầu, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói hôm 26/5 sau cuộc gặp bất ngờ với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

“Ông ấy bày tỏ ý định đặt dấu chấm hết cho giai đoạn lịch sử chiến tranh và đối đầu thông qua thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và để hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng”, Reuters dẫn lời ông Moon nói với báo chí.