Tuyên bố của ông Trump đã đạp phanh vào tiến trình đàm phán phi hạt nhân diễn ra với tốc độ chưa từng có trong hai tháng qua. Ngày 24/5, ông Trump tuyên bố “các biện pháp trừng phạt rất mạnh của chúng tôi, cho đến nay là mạnh nhất trong lịch sử, và chiến dịch gây áp lực tối đa sẽ tiếp tục”.
Việc duy trì áp lực đó phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác từ Trung Quốc, vì thế Bắc Kinh giờ có thể tận dụng bất kỳ trì hoãn gặp gỡ nào giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên để giành lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại của nước này với Mỹ.
Triều Tiên không trắng tay
Mọi việc còn phụ thuộc vào cách Triều Tiên phản ứng với quyết định rút lui của ông Trump. Sau 1 năm đạt được đột phá trong công nghệ phóng tên lửa và thử hạt nhân, ông Kim đột ngột chuyển hướng sang hòa bình, với việc ngừng thử vũ khí, thả các tù nhân Mỹ và phá hủy địa điểm thử hạt nhân chỉ vài giờ trước thông báo rút lui của ông Trump.
Chưa rõ quyết định này của ông Trump sẽ tác động đến chính trị trong nước của Triều Tiên như thế nào. Nếu ông Kim cảm thấy buộc phải khôi phục các vụ thử và cần chứng tỏ rằng Triều Tiên có thể tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân, cả khu vực sẽ lại bị đẩy đến bờ vực chiến tranh như hồi cuối năm ngoái.
Nhưng nếu kiềm chế, ông Kim có thể đã chiếm được đủ thiện chí của các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên, để có thể thấy các biện pháp trừng phạt sẽ được giảm bớt mà không cần từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
“Việc ông Trump rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh giúp Triều Tiên đạt được tất cả mục tiêu của họ: sự công nhận, các biện pháp trừng phạt được giảm bớt, gây tổn thương cho các quan hệ đồng minh của Mỹ và vẫn có thể tiếp tục chương trình hạt nhân”, báo Mỹ New York Times dẫn lời ông Adam Mount, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tại Washington.
Là người môi giới cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in giờ có thể bị tổn hại về chính trị nếu quá trình đối thoại sụp đổ hoàn toàn.
“Người dân Hàn Quốc chắc chắn đang lo lắng vì chúng tôi rất hy vọng vào thượng đỉnh Trump – Kim. Ở trong nước, ông Moon sẽ bị phe đối lập cười nhạo là đã quá ngây thơ”, ông Lee Byong-chul, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hòa bình và Hợp tác tại Seoul, nói.
Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể thở phào nhẹ nhõm. Các lãnh đạo ở Tokyo đã rất lo rằng quá trình đối thoại diễn ra quá nhanh mà Nhật không được tham gia đầy đủ, và có thể dẫn đến một thỏa thuận có lợi cho Mỹ nhưng khiến Nhật Bản dễ tổn thương trước vũ khí của Triều Tiên.
Tác động từ cuộc gặp bất ngờ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có vẻ lo lắng về tốc độ Triều Tiên và Mỹ tiến tới đối thoại và khả năng ông Kim tiến quá gần Mỹ, đặc biệt là sau thời gian quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc không được nồng ấm.
Nhưng cuộc gặp thượng đỉnh bị hoãn giúp ông Tập dùng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên - như thắt chặt hay nới lỏng thực hiện các biện pháp cấm vận – làm công cụ mặc cả trong quá trình Bắc Kinh đàm phán một thỏa thuận thương mại với Washington. “Ông Tập có lợi ích khi cuộc gặp thượng đỉnh bị hoãn càng lâu càng tốt, đặc biệt trong quá trình đàm phán thương mại với Mỹ”, AP dẫn lời ông James Mann, tác giả cuốn sách bán chạy “The China Fantasy”.
Ông Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng quyết định của ông Trump là “tin xấu”, nhưng điều này có thể sẽ giúp ông Tập đóng vai trò môi giới. “Đây là cơ hội để Trung Quốc làm gì đó để cứu cuộc gặp bị hủy”, ông Cheng nói.
Tổng thống Mỹ có vẻ đã nghi ngờ ông Tập làm gì đó khiến Triều Tiên quay sang quan điểm cứng rắn hơn về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân trong những ngày gần đây. Trong bức thư gửi ông Kim về việc hoãn cuộc gặp, ông Trump nói đến “cơn giận dữ lớn và sự thù địch rõ ràng thể hiện trong những tuyên bố gần đây nhất của ông”. Trước đó, ngày 24/5, một quan chức cấp cao Triều Tiên cảnh báo Mỹ phải lựa chọn giữa việc gặp Triều Tiên trong phòng họp hay trong một cuộc so găng hạt nhân.
Gần đây, ông Trump nói rằng Triều Tiên đã đổi giọng với Mỹ sau cuộc gặp bất ngờ giữa ông Kim với ông Tập ở thành phố cảng Đại Liên của Trung Quốc 2 tuần trước. Và ông Trump cũng nói rằng Chủ tịch Trung Quốc đã tác động lên nhà lãnh đạo trẻ và ít kinh nghiệm của Triều Tiên để ông Kim cứng rắn hơn, có thể nhằm giúp Trung Quốc có lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng ông Trump có thể hiểu sai tình hình, và quan điểm cứng rắn hơn của Triều Tiên có thể xuất phát từ chính những quan ngại trong nước về sự tồn vong của họ chứ không phải từ ông Tập. Những điều đó cho thấy tình thế phức tạp như thế nào khi rất nhiều nhân tố đang sử dụng nhiều kênh tác động khác nhau và đôi khi chồng lấn lên nhau.
Không biết ông Kim và ông Tập đã bàn những gì ở Đại Liên, và các nhà phân tích cho rằng ông Tập có thể đã thúc đẩy chương trình của riêng mình, trong đó có hợp tác kinh tế, và khuyên bảo ông Kim trong cách ứng xử với ông Trump.
Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ một thỏa thuận hòa bình có thể giúp ngăn chặn khả năng nổ ra chiến tranh tàn khốc ở gần biên giới của họ, và lâu dài có thể dẫn đến việc Mỹ rút quân đội khỏi Hàn Quốc. Nhiều nhà phân tích Mỹ đồng ý với điều này, rằng giọng điệu cứng rắn hơn của Triều Tiên gần đây phản ánh những lo ngại của chính quyền ở Bình Nhưỡng về chính sự đề phòng của họ, và niềm tin rằng họ cần giữ một số hình thức hạt nhân nào đó.
“Tôi thấy việc đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự đổi giọng của Triều Tiên giống như cố tìm một con dê tế thần cho sự thất bại của cuộc gặp”, New York Times dẫn lời ông Douglas H. Paal, Phó chủ tịch Viện hòa bình quốc tế Carnegie.
Tự làm khó mình
Một số nhà phân tích Mỹ cho rằng Trung Quốc có lợi ích trong việc làm chậm quá trình xích lại giữa Mỹ và Triều Tiên. Bằng cách gây sức ép lên Trung Quốc về thương mại nhưng vẫn dựa vào Trung Quốc trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Mỹ đã tự khiến mình phải nhượng bộ trước Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế. Kể từ cuộc gặp ở Đại Liên, các quan chức Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao nước ngoài rằng ông Tập và ông Kim đã thảo luận về cách nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên nên ứng xử với ông Trump như thế nào. Trong chuyến đi đến Bình Nhưỡng vài ngày sau sự kiện ở Đại Liên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hy vọng sẽ nhận được thêm cam kết từ Bình Nhưỡng về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nhưng không được. Ngay sau khi ông Pompeo rời Bình Nhưỡng, Triều Tiên đổi giọng với Washington, nói rằng họ sẽ hoãn cuộc gặp vào ngày 12/6 nếu chính quyền Trump khăng khăng đòi “phi hạt nhân hóa đơn phương”.
Bản thân ông Trump thường gắn vấn đề Triều Tiên với thương mại, nói rằng ông sẽ trao thỏa thuận thương mại tốt hơn cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh hợp tác với Washington về vấn đề Triều Tiên, Reuters dẫn lời bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington.
Một số nhà phân tích cho rằng điều này thể hiện rõ ràng trong cách chính quyền Trump xử lý trường hợp hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE. Mỹ cấm ZTE mua các linh kiện của Mỹ để trừng phạt công ty này đã làm ăn với Triều Tiên và Iran, khiến ZTE lâm vào khốn khó. Nhưng Washington sau đó nới lỏng trừng phạt sau khi ông Trump thông báo trên mạng xã hội rằng ông đang làm việc với ông Tập để “mở đường cho ZTE quay lại hoạt động, rất nhanh”.
“Có một sự thừa nhận muộn màng rằng thương mại đang khiến ông Trump khó đạt được tiến triển trong ưu tiên cao nhất của ông ấy đối với Triều Tiên”, ông Ryan Hass, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings và là thành viên Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama, đánh giá. Ông Hass cho rằng chính quyền Trump đang đánh cược bằng chính sách thương mại linh hoạt nhằm có được sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên.
“Bắc Kinh ra giá cho điều đó trong trường hợp của ZTE và các bước đi nhằm giảm căng thẳng thương mại. Chính quyền Trump đã chấp nhận các điều khoản. “Thời gian sẽ trả lời liệu ván cược đó mang lại kết quả gì cho Mỹ”, ông Hass nói.
Phản ứng của thế giới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in: Tôi thấy rất phức tạp và rất đáng tiếc khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ không diễn ra vào ngày 12/6.
Thủ tướng Anh Theresa May: Chúng tôi thất vọng vì cuộc gặp sẽ không diễn ra như dự kiến. Chúng tôi cần thấy một thỏa thuận có thể dẫn đến sự phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác vì mục tiêu này.
Ông Konstatin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nga: Việc ông Trump bác bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều là cú đánh nghiêm trọng vào quá trình giải quyết hòa bình tình hình khu vực.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres: Tôi cực kỳ lo ngại việc hoãn cuộc gặp dự kiến ở Singapore giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên…(Bình Nhưỡng và Washington) phải tìm ra con đường phi hạt nhân hóa hòa bình và có thể kiểm chứng cho bán đảo.
Triều Tiên vẫn muốn gặp
Triều Tiên hôm qua khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan nói rằng việc ông Trump tuyên bố hoãn cuộc gặp đã đi ngược lại với mong ước của cộng đồng quốc tế về nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi muốn nói với phía Mỹ một lần nữa rằng chúng tôi có ý định ngồi với phía Mỹ để giải quyết vấn đề, bất kể bằng cách nào và thời điểm nào”, hãng thông tấn Triều Tiên dẫn lời Thứ trưởng Kim.
Nhưng trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng Nhà Trắng đã phải chờ quan chức Triều Tiên hết lần này đến lần khác trong các cuộc gặp nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh ở Singapore vào ngày 12/6, nhưng phía Triều Tiên không xuất hiện.