Hai quả tên lửa được phóng từ tỉnh Hamgyong Nam bên bờ biển phía đông của Triều Tiên, “bay được khoảng 250km ở độ cao 30km rồi rơi xuống biển Nhật Bản”, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo nói, hai tên lửa lần này dường như khác với loại phóng hôm thứ Năm tuần trước.
“Việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa không giúp ích gì cho nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và chúng tôi thúc giục Triều Tiên chấm dứt kiểu hành động này”, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân tuyên bố. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói, hai vụ phóng tên lửa vừa qua “không gây nguy cơ cho an ninh quốc gia của Nhật Bản”.
Al Jazeera ngày 31/7 dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, thông qua việc phóng tên lửa, Bình Nhưỡng thể hiện sự không hài lòng với cuộc tập trận chung mà Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành trong tháng 8. Vụ phóng tên lửa cũng diễn ra trong bối cảnh đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đang ở thế bế tắc.
Harry Kazianis, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), nói rằng, vụ thử tên lửa mới nhất rõ ràng là một nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm gây sức ép với Washington. “Hiện nay, dường như các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ ngưng trệ cho đến mùa thu vì Triều Tiên sẽ không ngay lập tức trở lại con đường ngoại giao sau lượt phóng thử này”, ông nhận định.
Nhà nghiên cứu Kazianis cho rằng Triều Tiên có thể sắp thử tên lửa lần nữa. “Triều Tiên sẽ tiếp tục trút giận bằng cách thử tên lửa trong những ngày tới trước khi cuộc tập trận chung bắt đầu vào đầu tháng 8. Thông điệp gửi tới Washington và Seoul là hãy ngừng tập trận chung nếu không chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện năng lực quân sự tấn công của mình”, BBC ngày 31/7 dẫn lời ông Kazianis.
Tuy nhiên, mới đây, một quan chức cấp cao của Hàn Quốc nói rằng, cuộc tập trận chung với Mỹ vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch, nhưng chủ yếu là giả lập trên máy tính, không có binh sĩ trên thực địa.
Một số nhà phân tích nói rằng, Triều Tiên sẽ có động lực để tiếp tục gây sức ép để Mỹ nhượng bộ họ trong bối cảnh ông Trump háo hức coi việc tiếp xúc với phía Triều Tiên là một thành công về chính sách đối ngoại trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Tuần trước, Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đó là vụ thử hỏa tiễn đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau hồi tháng 6 và nhất trí khởi động lại đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Cả ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều không coi vụ phóng tên lửa tuần trước là nghiêm trọng. Ông Pompeo tiếp tục bày tỏ hy vọng về một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên.
Không dự hội nghị ASEAN
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 31/7 trùng với thời điểm Ngoại trưởng Pompeo dự kiến tham dự cuộc gặp với bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tại Thái Lan. Ban đầu, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho có kế hoạch tham dự cuộc gặp này nhưng sau đó hủy chuyến đi tới Bangkok, Al Jazeera đưa tin.
Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, ông hy vọng các cuộc gặp cấp công tác sẽ sớm giúp nối lại đàm phán về phi hạt nhân hóa. Một ngày sau, khi trò chuyện với các phóng viên bay cùng ông tới Bangkok, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng, không biết khi nào thì đàm phán diễn ra nhưng ông hy vọng đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun, và phái viên hạt nhân của Triều Tiên sẽ sớm gặp mặt.
Từ khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp nhau hôm 30/6 tại khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington không giữ lời hứa về kế hoạch ngưng tập trận chung với Hàn Quốc và cảnh báo rằng việc đó có thể tác động tiêu cực tới tiến trình đối thoại. Triều Tiên cũng cảnh báo về khả năng sẽ nối lại các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân. Triều Tiên không thử hạt nhân và tên lửa tầm xa từ năm 2017 và Tổng thống Donald Trump coi đây là bằng chứng thành công của việc ông làm việc với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.