Các ca tử vong mới, được ghi nhận từ tối 13/5 đến 18h ngày 14/5, đã nâng tổng số người tử vong lên 42 ca, và nâng tổng số người có biểu hiện sốt từ cuối tháng 4 lên 820.620 người, theo hãng thông tấn KCNA.
Trong số đó, hơn 496.030 người đã được chữa khỏi và ít nhất 324.550 người đang được điều trị.
Những dữ liệu trên được đưa ra bởi trung tâm chỉ đạo phòng chống dịch khẩn cấp của Triều Tiên.
Báo giới Triều Tiên chủ yếu sử dụng cụm từ "người bị sốt", thay vì "bệnh nhân COVID-19" hoặc "ca bệnh được xác nhận". Theo các nhà quan sát, nguyên nhân có thể là do Triều Tiên còn thiếu bộ xét nghiệm và các thiết bị khác để xác định ca bệnh.
KCNA khẳng định các biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng để hạn chế sự lây lan của virus, nhưng vẫn có người thiệt mạng "do bất cẩn trong việc dùng thuốc vì thiếu kiến thức về biến thể Omicron tàng hình, cũng như về phương pháp điều trị".
Truyền hình Triều Tiên tối 14/5 phát sóng khuyến cáo của các bác sĩ về cách điều trị triệu chứng sốt. Một bác sĩ tại bệnh viện Kimmanyu đề nghị "súc miệng bằng nước muối" và dùng các loại thuốc khác nhau trong trường hợp sốt cao, nhức đầu và đau cơ và khớp. KCNA cũng gợi ý người dân nên uống trà kim ngân hoa và trà lá liễu 3 lần/ngày.
"Tất cả các tỉnh, thành phố và các huyện trong cả nước đã bị phong tỏa. Các đơn vị làm việc, sản xuất và khu dân cư cũng đã được giãn cách với nhau từ sáng 12/5. Việc xét nghiệm nghiêm ngặt và chuyên sâu đối với tất cả người dân đang được tiến hành", KCNA cho biết thêm. "Các quan chức cấp cao của Triều Tiên đã quyên góp thuốc men từ tủ thuốc cá nhân của họ để hỗ trợ cuộc chiến chống lại dịch bệnh trên cả nước."
Ngày 12/5, Triều Tiên thông báo về sự lây lan của biến thể Omicron tàng hình ở thủ đô Bình Nhưỡng sau hơn 2 năm tuyên bố chưa từng ghi nhận bất cứ ca COVID-19 nào.