Phản ứng của các nước láng giềng
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) vào chiều thứ Tư, 15/9. SLBM được phóng đi từ tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho 3.000 tấn, bay theo khoảng cách định sẵn và bắn trúng mục tiêu.
Tuyên bố từ Seoul cho biết loại vũ khí này được kỳ vọng sẽ giúp Hàn Quốc ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài, tăng cường phòng vệ và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Với vụ phóng mới nhất, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới sở hữu SLBM nội địa, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.
Vụ thử tên lửa của Hàn Quốc diễn ra vài giờ sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra phía biển Nhật Bản vào lúc 12h30 cùng ngày. Tên lửa bay khoảng 800km, đạt độ cao tối đa 60km. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hai tên lửa của Triều Tiên rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Không có tàu hoặc máy bay nào báo cáo thiệt hại do tên lửa. Trước đó, ngày 11 và 12/9, Triều Tiên cũng phóng thử tên lửa hành trình tầm xa mới được cho là có khả năng hạt nhân.
Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sáng 15/9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Các vụ phóng của Triều Tiên đe doạ hoà bình, sự an toàn của Nhật Bản, của khu vực và là hành động gây phẫn nộ. Chính phủ Nhật Bản tăng cường tinh thần cảnh giác và giám sát để chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào”.
Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên “không gây ra mối đe doạ cho lực lượng và lãnh thổ Mỹ, cũng như của các đồng minh”. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo khả năng gây mất ổn định từ chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo cùng ngày rằng Bắc Kinh hy vọng “các bên liên quan sẽ kiềm chế”.
Dụng ý của Hàn Quốc, Triều Tiên
Động thái gây hấn mới nhất của Triều Tiên và Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang thăm Seoul và có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để thảo luận việc nối lại đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ với Triều Tiên.
Việc Bình Nhưỡng thử tên lửa ở thời điểm này được cho là bất thường, vì Trung Quốc - đồng minh lớn và nguồn cung cấp viện trợ cho Triều Tiên - đang có một sự kiện ngoại giao quan trọng ở Hàn Quốc, theo Yonhap.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Moon Jae-in đánh giá cao vai trò của Bắc Kinh trong nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên. Đáp lại, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ giữa hai miền bán đảo.
Hàn Quốc thường ít khi công khai các vụ thử vũ khí vì lo ngại có thể chọc giận Triều Tiên. Tuy nhiên, việc Seoul công bố thông tin về vụ thử SLBM mới nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Moon Jae-in - vốn tích cực theo đuổi hoà giải với Triều Tiên - có thể muốn đáp trả những chỉ trích cho rằng họ quá mềm mỏng với Bình Nhưỡng.
Các quan chức tham gia cuộc thử nghiệm SLBM ngày 15/9 cũng thông báo về việc phát triển một số tên lửa tiên tiến khác bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh và tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn lớn hơn. “Việc nâng cao năng lực tên lửa của chúng tôi là điều cần thiết để ngăn chặn hành động khiêu khích của Triều Tiên”, Tổng thống Moon khẳng định. Ông cũng nhấn mạnh vụ thử SLBM đã được lên kế hoạch từ trước và không nhằm đáp trả các vụ phóng của Triều Tiên.
Theo giới chuyên gia, các vụ phóng của Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy nước này đang thúc đẩy chế tạo vũ khí nhằm gây áp lực lên Mỹ để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.
Từ đầu năm Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ phóng gồm: 2 tên lửa đạn đạo vào ngày 25/3; 2 tên lửa hành trình vào ngày 21/3 và ngày 22/1. Các chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng dường như đang sử dụng các vụ thử tên lửa lặp đi lặp lại này để gây thêm áp lực đối với Mỹ, buộc nước này phải xem xét giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã “đóng băng” từ năm 2019, khi Washington từ chối yêu cầu của Bình Nhưỡng về giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt lớn để đổi lấy việc dỡ bỏ một cơ sở hạt nhân. Triều Tiên tiếp tục đe dọa chế tạo vũ khí công nghệ cao nhắm vào Mỹ, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi đối thoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, theo Reuters.
Bình Nhưỡng được cho là cũng đang gia tăng hoạt động quân sự trong những tuần gần đây. Tháng trước, Triều Tiên cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng an ninh lớn” nhằm phản đối cuộc tập trận quân sự kết hợp vào mùa hè giữa Hàn Quốc và Mỹ. Triều Tiên cũng có dấu hiệu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutonium tại khu phức hợp Yongbyon của nước này.