Trong những ngày thời tiết nắng nóng quay quắt, hơn 2 sào chè của gia đình anh Trần Văn Hợp (20 tuổi, xã Yên Lạc) vẫn xanh mướt nhờ hệ thống tưới nước tự động. “Khi chưa có mô hình tưới tiêu tự động, việc trồng chè phải sử dụng máy bơm nước chạy bằng xăng dầu chi phí cao lại tốn nhiều công sức. Giờ với hệ thống này, việc tưới tiêu cho chè khoẻ hẳn, chỉ mỗi hai thao tác mở và đóng cầu giao điện. Trung bình 3-5 ngày tưới một lần, mỗi lần 30 phút, cả vườn chè được đảm bảo độ ẩm để phát triển”, Hợp nói và cho biết sản lượng chè hiện cao hơn nhiều so với trước.
Hệ thống tưới tiêu tự động trên diện tích canh tác chè của Hợp là mô hình do trí thức trẻ Thái Nguyên tham gia tái cơ cấu nông nghiệp năm 2018 lắp đặt trao tặng. Tham gia triển khai mô hình tưới tiêu tự động, anh Phạm Quốc Toán, giảng viên khoa Nông học, ÐH Nông lâm Thái Nguyên cho biết, với hệ thống này, những người trồng chè chủ động trong việc tưới tiêu, giảm nhân công và tiết kiệm thời gian. “Hệ thống tưới này sẽ giúp người trồng chè có thể sản xuất thêm vụ Ðông, vốn là hạn chế của nhiều địa phương. Tuy vụ Ðông búp chè có năng suất thấp, nhưng chất lượng tốt và cho giá trị kinh tế cao. Ðây là mô hình đầu tiên, tới đây chúng tôi lên kế hoạch triển khai tiếp tại các huyện khác của tỉnh Thái Nguyên", anh Toán cho biết.
Chuyển giao mô hình, công trình khoa học
Phát biểu tại buổi lễ ra quân, Bí thư T.Ư Ðoàn Bùi Quang Huy cho biết, năm nay T.Ư Ðoàn mở rộng đối tượng tham gia chương trình để phát huy hơn nữa vai trò xung kích, tình nguyện, trí tuệ của lực lượng trí thức khoa học trẻ trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mô hình mới vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Qua đó, đẩy mạnh phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" và đồng hành các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng trong Chiến dịch hè năm 2018.
“Trong đợt cao điểm hè 2018, các tỉnh, thành đoàn phối hợp với các trường đại học, học viện, các đơn vị, cơ sở khoa học có chuyên môn về nông nghiệp triển khai 98 đội hình tình nguyện hoạt động tại 63 tỉnh, thành cả nước. Ðồng thời, chuyển giao 336 mô hình trình diễn; 261 lớp tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới trong nông nghiệp với tổng kinh phí trị giá 9 tỷ 214 triệu đồng. Tham gia chương trình có 1.479 tình nguyện viên là các chuyên gia, cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp; giảng viên trẻ, nhà khoa học trẻ…”, anh Bùi Quang Huy cho biết.
Tại lễ ra quân, anh Bùi Quang Huy đã trao cờ xuất quân cho 10 đội hình trí thức khoa học trẻ tình nguyện tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp do T.Ư Ðoàn chỉ đạo điểm trong Chiến dịch hè 2018. Theo đó, từ ngày 8/7 đến 31/8, các đội hình sẽ tập trung các hoạt động: Tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên và người dân về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; tập huấn, chuyển giao công nghệ sau thu hoạch; tập huấn, chuyển giao các công nghệ xử lý môi trường, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón và thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ thanh niên và nhân dân triển khai các mô hình kinh tế, cũng như duy trì các mô hình đang hoạt động tại địa phương…