> Kết thúc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Đọng lại gì?
> Việc định giá Lưu Quang Vũ vẫn còn bỏ ngỏ
Kho bài hát có mấy người chịu sáng tác, chưa nói có nên hồn hay không. Thế nên cả chục cuộc thi hằng năm cứ đèo đẽo xài đi xài lại. Trẻ con không hát bài người lớn thì lấy gì mà hát?! Ở Tây một ca sĩ hay ban nhạc xài lại bài hát của người khác là hiếm. Họ tự sáng tác hay có người viết riêng, độc quyền sáng tạo trong cả cách thể hiện tác phẩm. Còn ở ta, ca sĩ cứ ngang nhiên hát kiếm tiền, khi bị tác giả chê trách lập tức “tâm thư” chửi là…ngụy quân tử, đây “không thèm hát nữa”! Nhiều lúc còn “tân trang” lại ca khúc của người khác một cách kỳ cục, tác giả rầu rĩ mà chả biết làm sao.
Lại phát hoảng khi vừa nghe có tới cả ngàn thí sinh đang nô nức dự một cuộc thi hát thường niên nữa. Thôi thì cứ thi, hát cho át bớt thở dài. Dù chủ yếu cuộc nào cũng chỉ để tìm ra “bản lĩnh làm chủ sân khấu”. Còn hơn lắm cô không chịu thi thố, chỉ tìm cách phơi thân, mong báo chí, dư luận “dập vùi” để trở thành…ca sĩ.
Nhà phê bình (bị chê) chữ nghĩa không đầy cái lá mít. Ca sĩ “không đọc được nốt nhạc”. Nông dân chế tạo máy bay, tàu ngầm, để nhà khoa học rảnh tay rảnh chân chạy dự án. Văn chương tư duy mới cứ phải thò thụt, nhìn trước ngó sau, còn cái câu lạc bộ văn học nghệ thuật làng xã do anh chàng ất ơ nào đó lập ra hút được cả bốn, năm ngàn cụ đóng tiền tham gia. Hội thảo về thơ lại thích trang trí thêm hai chữ “khoa học”, nhưng rặt ê a cảm tính.
Thực ra thông minh tài trí giới sáng tạo mình có thừa. Chỉ cái tội là thường chỉ mỗi mình biết mình có “tài”. Nên chẳng phải đọc chữ không đầy lá mít, mà vì sẵn cái đức không thèm đọc, và không thèm đọc của nhau đó thôi.