Giáo hội ra công văn khẳng định Thích Minh Tuệ không phải tu sĩ theo mô hình chung được tổ chức công nhận. Chính ông cũng nhận mình chưa đạt tiêu chuẩn đó. Nhưng dù gì, thông qua hình tượng Thích Minh Tuệ tạo nên, dân chúng có dịp được đến gần hơn một chút với giáo lý Phật. Nào là hạnh đầu đà, y phấn tảo, du tăng, y bát…
Những khái niệm liên quan được những người có kiến thức Phật giáo mang ra mổ xẻ. Các ý kiến có thể đối lập nhau nhưng đều giúp người quan tâm cập nhật kiến thức. Trong bối cảnh nhiều người đang tò mò dõi theo một “trend” trước giờ chưa từng có. Vì người tạo được xu hướng này phải dám từ bỏ đến cả chiếc dép dưới chân, nguyện đi bộ đến hết đời.
Bằng hành động thay lời thuyết, Thích Minh Tuệ đã đưa Phật pháp đến với những người ít có điều kiện học hiểu nhất. Có thể đó cũng là động cơ khiến ông “xuống đường”. Để đại chúng tiếp cận với một kiểu tu học trực quan, thấy đủ sự gian khổ khó hình dung nổi trong thời đại tiện nghi được trang bị đến tận chân răng này.
Trong trường hợp này sức khỏe chưa đủ mà còn phải có một niềm tin lớn lao và sự thực hành nghiêm ngặt mới có thể đạt tới khả năng chế ngự và dùng thân thể làm phương tiện hiệu quả đến vậy. Bàn chân chai dày và đen lì của ông phần nào thể hiện sự chân thật, tinh tấn trong hành trì.
Cách xưng “con” thể hiện một sự gửi gắm và tin tưởng. Người xuất gia được mặc định có đủ các thiện hạnh lại nắm vững kho tàng Phật pháp (hoặc sắp đạt được điều đó) để dân thường có thể trông cậy. Nhưng người được gọi như vậy đáng để học hỏi, đáng để tôn làm thầy đến đâu chỉ chính người đó biết mà thôi.
Thích Minh Tuệ gạt bỏ luôn những nghi ngại của người đối diện bằng cách đảo ngôi xưng hô, trở thành “con của vạn nhà”. Bằng cách ấy, ông đã đến gần với dân chúng hơn bao giờ hết. Hẳn vì ông muốn nhấn mạnh mình cũng đang tìm hiểu, đang học theo đức Phật như bất cứ ai.
Thậm chí chính những người ông gặp sẽ đem lại cho ông vô vàn bài học, nên về mặt nào đó cũng coi như thầy của ông vậy. Còn từ quan điểm của Phật, tất thảy chúng sinh trong vô lượng kiếp đều từng là cha mẹ của ta cả. Xưng con cũng thực hành phép quán “chúng sinh mẹ” nhằm phát triển tâm Bồ đề.
Lối xưng “con” của ông còn ngầm nhắc cho mọi người rằng ai cũng có Phật tính, cũng là con Phật. Ai cũng đang trên con đường tu tập, chỉ là chủ động và ý thức đến đâu. Thích Minh Tuệ xưng con nhưng được nhiều người dân gọi bằng thầy, thậm chí xếp ngay vào hàng chân tu. Điều này chắc chắn sẽ làm những ai đang núp bóng Phật để cầu danh lợi phải giật mình đầu tiên.
Có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ kèm đội ngũ làm hình ảnh tự phát tung lên khắp cõi mạng ảnh hưởng xấu đến “hòa hợp tăng” hay có khả năng “xúc phạm Giáo hội”.
Nhưng trước khi Thích Minh Tuệ nổi tiếng thì người dân đã có những bức xúc nghi ngờ trước nhiều biểu hiện biến tướng của đạo Phật rồi. Làm sao mà một người bộ hành bên ngoài có thể làm rối ren đến tận nội bộ của một tăng đoàn chính thống và đông đảo? Nếu cần hãy tăng cường hòa hợp tăng hơn nữa thay vì đổ trách nhiệm cho Thích Minh Tuệ hay dân chúng.
Ông đi bộ đã 3 năm, nhưng phải đến năm thứ 4 mới gây được hiệu ứng trong nhà ngoài phố. Và những hạnh nguyện (tạm gạt những phiền toái qua bên) của ông cũng nhờ đó mà được nhân lên.
Nói cách khác ông lộ sáng gần như hoàn toàn, chịu sự tọc mạch và phán xét gần như tuyệt đối của bất cứ ai có duyên tiếp cận ông bằng người thật hay qua mạng. Có thể thấy vài thiện tri thức hỏi Thích Minh Tuệ về Phật pháp, nhưng đa số dân tình quan tâm tới việc ông ăn ngủ ra sao, vệ sinh thế nào...
Thắc mắc kiểu gì ông cũng hóa giải được bằng những câu trả lời mộc mạc, dễ hiểu, không né tránh. Trong đời, chúng ta vẫn phải cân nhắc với ai thì nói gì, nói đến đâu. Còn Thích Minh Tuệ đưa ra một mẫu hình tham khảo hoàn toàn khác: Luôn cởi mở, hòa ái dù người đối thoại là ai.
Có lần ông bị đấm chảy cả máu mồm. Rồi khi được hỏi thăm, ông buột miệng trả lời là bị ngã. Sau đó mới chợt nhớ ra mình đã phạm giới “không nói dối” và vui vẻ kể lại quá trình quán sát tâm đó với người gặp tiếp theo. Điều này lý giải vì sao Thích Minh Tuệ phải tu trên đường. Vì khi đương đầu với tất cả những gì vô thường của đời sống, ông mới biết công lực của mình đang ở mức nào.
Nhiều người phải thốt ra từ “thương” trước vẻ khổ hạnh của Thích Minh Tuệ. Nhưng thực ra đã chọn lối thực hành này phải là người có ý chí vô cùng mạnh mẽ. Ông là một ví dụ hùng hồn cho khái niệm “dũng” cũng tức là “vô úy” (không sợ) trong Phật học. Không phải võ biền quên mình trừ gian diệt bạo như hình dung của đời. Mà là người sẵn sàng buông bỏ tất cả, đối mặt tất cả nhằm đạt đích thoát khổ Đức Phật đã chỉ ra.
Bát Nhã Tâm Kinh diễn giải: “Bồ tát an trú và trí tuệ vô ngã tròn đầy, nên tâm không vướng ngại; vì không vướng ngại, nên không sợ hãi, rời xa các tâm tưởng mộng mị sai lầm, cuối cùng được giải thoát hoàn toàn khổ đau. Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai đều an trú vào trí tuệ ấy mà thành bậc đại giác ngộ” (dẫn theo Hòa thượng Thích Chơn Thiện).
Thích Minh Tuệ đến với dân chúng đúng vào mùa Phật đản. Một thời điểm đặc biệt mà các Phật tử được dạy những công đức tu trì, giữ giới… sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Thích Minh Tuệ xem ra là một chất xúc tác hiệu quả để tính thiện trong mỗi người có duyên với ông được tăng trưởng đúng vào dịp này.
Tôi có một niềm tin rằng chư Phật sẽ gia hộ bất kỳ ai tâm thiện và sống thiện. Bởi Phật nêu biểu cho những giá trị thiện lành được định nghĩa bởi một nhân vật lịch sử. Thích Ca cũng dùng chính thân thể và đời sống của mình để đưa một khái niệm chưa được định hình nhưng đã có trước đó vào đời sống nhân loại, gói gọn trong chữ “Phật”. Và chúng ta bằng hành động từng ngày cũng đang xác định vị trí bản thân trên chặng đường hiển lộ tính Phật.