Làm thuê
Gia cảnh nghèo khó nhưng Phạm Văn Chiến (chuẩn bị lên lớp 7, Trường THCS Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM) vẫn học rất giỏi và là tấm gương sáng cho nhiều bạn nhỏ ở đây. Gia đình Chiến có sáu người, bố mất sức lao động nên cái ăn, cái mặc chỉ trông vào gánh xôi bán rong của mẹ và công việc lặt vặt của người anh cả.
Mỗi ngày cả gia đình kiếm được hơn 50 nghìn đồng, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Gánh nặng nuôi 3 đứa con ăn học đè lên đôi vai già của mẹ. Chiến tâm sự: “Mẹ tiết kiệm từng đồng bạc lẻ cho mấy anh em đến trường. Nhưng em còn nhỏ quá, không biết làm sao để giúp bố mẹ cả”.
Từ những năm học tiểu học, một buổi đi học, một buổi Chiến phải đi phụ việc cho bà con trong xóm kiếm tiền mua gạo hoặc chuốt cọng dừa nước bán cho người ta làm chổi để kiếm ít tiền giúp gia đình. Cô Trần Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm của Chiến cho biết: “Nhà nghèo, ăn uống thiếu dinh dưỡng, da xanh xao, gầy còm nhưng 6 năm qua, Chiến luôn là học sinh giỏi của lớp, của trường”.
Hai chị em Trần Thị Hằng (vừa học xong lớp 8 Trường THCS Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM) và Trần Thị Hương trong những ngày này cũng đang miệt mài đi chặt mía mướn để kiếm tiền nhập học. Ba làm xe ôm, mẹ bán hủ tiếu rong, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng. Dù ăn tiêu tiết kiệm nhưng gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Mỗi ngày hai chị em Hằng được chủ trả 30.000 đồng tiền chặt mía thuê.
Nhà cách xa trường 11km, Hằng và Hương chở nhau đến trường bằng một chiếc xe đạp cũ. Những ngày học hai buổi, Hằng và Hương vẫn về nhà ăn cơm. Không ít lần hai chị em muốn nghỉ học nhưng lại nhớ tới lời dặn dò của bố: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải đến trường. Có cái chữ thì sau này cuộc sống mới hết khổ được”.
Mỗi khi rảnh rỗi, Hằng và Hương ngồi vào bàn học ngay chứ không đợi bố mẹ nhắc nhở. Nhờ vậy cả hai chị em luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Hằng hồn nhiên nói: “Em mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo, để đem cái chữ cho những bạn không được đến trường vì gia đình quá nghèo. Em cũng mong công việc của bố mẹ thuận lợi để em yên tâm hơn khi đến trường”.
Ảnh: Quang Phương.
Bán vé số
Năm học mới cận kề nhưng hằng ngày, Nguyễn Thị Khả Ái (ở Đức Hòa, Long An, chuẩn bị nhập học trường THCS An Ninh Đông) vẫn đang vật lộn với những tờ vé số để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình và ăn học. Khổ là vậy nhưng từ lớp 1 đến lớp 5, em luôn đạt học sinh khá giỏi.
Khả Ái sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn: Mẹ mắc bệnh tâm thần, lúc tỉnh lúc mê, còn cha không nhận con. Từ bé đến nay, Ái được ông bà, gia đình bên ngoại cưu mang. Sau giờ học, em đạp xe dọc các tuyến đường đông người để bán vé số. Cô Lâm Thị Trầm Lặng, giáo viên Trường tiểu học An Ninh Đông nhận xét: “Ái học giỏi, học siêng lắm! Nhưng em vất vả quá! Phải bươn trải từ nhỏ để kiếm tiền”.
Gia đình Khả Ái sống trong căn nhà vừa được chính quyền địa phương xây tặng. Nhà không có một tấm cửa nào, chẳng có vật gì quý giá, chỉ một chiếc giường tre. Gần 1 giờ chiều, “mẹ em không biết nấu cơm, em đi bán vé số về mới nấu. Mẹ em bị bệnh tâm thần lúc tỉnh lúc mê nên không làm lụng được”. Nhìn mâm cơm của hai mẹ con mà ứa nước mắt: Chỉ có một nồi cơm và một nồi canh lá bồ ngót.
Sau bữa trưa vội vã, Ái khoác chiếc áo dài tay, đội mũ rộng vành đạp xe ra cây xăng Sò Đo để lấy vé số bán. “Bà ngoại hẹn con ở đó để chia vé số cho con đi bán”. Sách thì xin được, áo quần mặc cũ cũng được nhưng em phải đi bán vé số để kiếm tiền mua vở và đóng học phí.