Trẻ mắc COVID-19 khi nào cần đến bệnh viện?
Tại TPHCM, trung bình trong ngày, mỗi Bệnh viện Nhi đồng đang tiếp nhận từ 350 đến 500 trường hợp đến khám và điều trị. Tuy nhiên, trong số trẻ đến khám vì mắc COVID-19 rất ít bệnh nhi phải nhập viện. Các bác sĩ khuyến cáo, chỉ những trường hợp có dấu hiệu chuyển độ nặng mới cần đến bệnh viện.
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, tuần qua 3 bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 288 trẻ mắc COVID-19 nhập viện. Trong đó, số ca dương tính phát hiện khám nội trú là 631 trường hợp. Theo đại diện Sở Y tế, số ca mắc COVID-19 ở trẻ đang có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, trên thực tế, số trẻ được phụ huynh đưa đến thăm khám sau khi mắc COVID-19 vẫn đang ở mức cao. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận khoảng 370 bệnh nhi đến thăm khám vì mắc COVID-19. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 1 đến 2 trường hợp phải nhập viện để theo dõi, điều trị. Tình trạng phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám khi không thực sự cần thiết đang gia tăng thêm tâm lý căng thẳng lo lắng cho chính bệnh nhi và tạo ra áp lực quá tải với nhân viên y tế và bệnh viện.
Trước thực tế trên BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Chỉ có những trẻ trong nhóm thừa cân béo phì, trẻ sinh non tháng, trẻ có bệnh lý nền như tim mạch, ung thư, viêm phổi mạn tính, hội chứng thận hư đang uống thuốc điều trị mới thực sự cần phải theo dõi sát sức khỏe sau khi mắc COVID-19 và cần đưa đến bệnh viện để được thăm khám, nhập viện trong trường hợp cần thiết để được bác sĩ theo dõi, điều trị.
Hiện nay, hầu hết trẻ đều nhiễm biến chủng Omicron và có sốt cao trong những ngày đầu. Tuy nhiên, phụ huynh không nên lo lắng, khi trẻ có biểu hiện sốt thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt, cho uống nhiều nước (uống thêm nước trái cây, nước bù điện giải) khuyến khích trẻ vận động.
Trẻ mắc COVID-19 trên thực tế chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà với hướng dẫn hỗ trợ của y tế địa phương. BS Tuấn Quy khuyến cáo, chỉ những trường hợp có dấu hiệu như sốt cao không hạ khi đã cho uống thuốc hạ sốt, co giật, trẻ li bì khó đánh thức, nhịp thở nhanh, nôn ói nhiều, tiêu chảy, không ăn uống được, oxy máu dưới 95% mới cần đưa đến bệnh viện tuyến trên.
Chuẩn bị tiêm phòng vắc xin phòng COVID- 19 cho trẻ
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM, kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh ở TPHCM đối với việc tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, ở bậc mầm non là 60,49%, bậc tiểu học là 81,19%, bậc THCS (lớp 6) là 87,68%.
Ông Trọng cho hay, với kết quả như trên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục có tuyên truyền, truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin để tiếp tục nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Những trẻ chưa tiêm vắc xin vẫn được đến trường, giáo viên sẽ có sự quan tâm, chăm lo kỹ lưỡng hơn để bảo vệ các em chứ không giới hạn các hoạt động học tập trực tiếp của trẻ.
“Ngành giáo dục TP đã tập huấn quy trình tiêm chủng, cấp tài khoản điểm tiêm cho mỗi cơ sở giáo dục có trẻ thuộc đối tượng tiêm để các cơ sở nhập thông tin của trẻ lên hệ thống”, ông Trọng nói thêm về công tác chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho hay, trong các đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước đây, ngành y tế thực hiện 200.000 - 300.000 mũi tiêm/ngày, với 1.000 - 1.500 đội tiêm. Trong đợt tiêm cho trẻ sắp tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT để nắm số lượng trẻ em, tổ chức phù hợp với từng thời điểm.
"Việc tiêm vắc xin cho trẻ phải chuẩn bị kỹ hơn người lớn, do đó trong đợt tiêm này quá trình khám sàng lọc, cấp cứu, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm sẽ được chuẩn bị và tập huấn kỹ. Đồng thời, Sở Y tế sẽ hướng dẫn phụ huynh theo dõi trẻ sau tiêm tại nhà" - bà Mai nói.
Trao đổi thêm với PV, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết thêm, Sở yêu cầu đối với nhóm học sinh có nguy cơ, khi tổ chức tiêm vắc xin phải trao đổi kỹ với phụ huynh, y tế địa phương. “Trước khi tiêm phải có ý kiến của y tế địa phương, để nhóm học sinh này được chăm sóc từng đối tượng một; Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, công tác phòng chống dịch khi tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa trong nhà trường; chưa thực hiện các hoạt động ngoài giờ, chính khóa, ngoại khóa bên ngoài nhà trường cho đến khi có thông báo mới”, ông Dũng thông tin.