Trào lưu chết chóc 'Cá voi xanh' có gì hấp dẫn giới trẻ đến thế?

Dù đã xuất hiện nhiều cái chết thương tâm, số lượng người trẻ tham gia thử thách "đoạt mạng" này vẫn có xu hướng tăng lên.
Cuối cùng, câu hỏi được đặt ra là tại sao những người trẻ lại chấp nhận tự kết liễu mình bằng một trò chơi vô nghĩa như vậy? Ảnh: India Today.

Hầu hết mọi người thường nghĩ những đứa trẻ ở độ tuổi 10-17 còn đang được bao bọc trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, chưa đối mặt với bất kỳ khó khăn nào từ cuộc đời thì có gì mà lo lắng, tuyệt vọng đến mức phải tự tử.

Đáng tiếc câu chuyện khó tin ấy lại thực sự xảy ra với Manpreet Singh (đến từ Mumbai, Ấn Độ) và hàng nghìn nạn nhân khác của trò chơi chết người mang tên "Cá voi xanh".

Vào một ngày tháng 3, Manpreet được phát hiện đã nhảy lầu tự tử. Cậu bé ra đi mà không để lại một lời nhắn nhủ cuối cùng nào.

Cha mẹ Manpreet khẳng định em không hề có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, cũng không buồn chán, thất vọng vì điều gì. Ngày hôm đó, Manpreet chỉ bảo với bạn bè rằng cậu sẽ không đến trường vào thứ 2 nữa.

Điều đáng nói, bạn của Manpreet thậm chí từng nghe cậu bé nhắc qua đến chuyện tử tự, nhưng lại tưởng đây chỉ đơn giản là lời nói đùa.

'Cá voi xanh' có gì hấp dẫn?

Theo trang India Today, có vài lý do khiến giới trẻ nhanh chóng bị cuốn vào trò chơi nguy hiểm "Cá voi xanh". Tất cả đều bắt nguồn từ các điểm chung của lứa tuổi vị thành niên.

Lý do đầu tiên trang này đưa ra là "sự cám dỗ". Ở độ tuổi vị thành niên - cái tuổi không phải bé cũng chẳng phải lớn, sự cám dỗ tựa như trái cấm có thể dẫn đến rất nhiều sai lầm.

Nắm được điều này, các đối tượng khéo léo tạo nên trò chơi thú vị có tên "Cá voi xanh" - nơi có những người chủ trì cuộc chơi bí ẩn và đương nhiên không thể thiếu người chơi.

Hơn nữa, khi tham gia trò này, bạn sẽ được thêm vào một nhóm chat - nơi không chỉ có người chủ trì và bạn, mà còn có nhiều người chơi khác nữa. Họ chắc chắn có khá nhiều điểm tương đồng với bạn.

Cứ như vậy trong 50 ngày, thành viên trong hội sẽ đăng tải đều đặn những bức ảnh chứng minh mình đã làm theo yêu cầu từ người chủ trì. Yêu cầu đó có thể là cheo leo trên tòa nhà chọc trời, thậm chí tự làm tổn thương chính bản thân.

Những gì còn ấn núp đằng sau 3 chữ "Cá voi xanh" dần dần khơi dậy sự tò mò trong người trẻ, thôi thúc họ ấn nút đăng ký, đồng thời khai đầy đủ thông tin cá nhân của mình - thứ sẽ trở thành vật uy hiếp, khủng bố tinh thần.

"Cá voi xanh" tạo ra chuyến phiêu lưu đầy kịch tính, chạm đến sự tò mò của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Kaleblechow.

Tiếp đến, sẽ không ai bị cám dỗ bởi các trò chơi trên mạng như thế này nếu như họ không cô đơn. Thật vậy, đa số người trẻ mắc bẫy đều cảm thấy lạc lõng, gặp chuyện phiền muộn mà không thể nói ra với người thân hoặc có triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Philipp Budeikin - kẻ cầm đầu thử thách nguy hiểm "Cá voi xanh" - còn nói rằng mục đích hắn tạo ra trò chơi này là để truyền đến người chơi sự ấm áp, thấu hiểu và tương tác.

Ngoài mắc các vấn đề tâm lý, số ít còn lại bị giữ chân bởi luật chơi. Nhiều thành viên cho biết họ không thể thoát ra khỏi thử thách "đoạt mạng" bởi những lời đe dọa, thách thức từ người chủ trì.

Chỉ cần người tham gia có dấu hiệu muốn dừng cuộc chơi, kẻ cầm đầu sẽ nhanh chóng biến thành kẻ bắt nạt. Hắn ép thành viên phải hoàn thành thử thách bằng bất kỳ giá nào. Điều này đồng nghĩa với việc: Sau những tháng ngày tự hành xác đau đớn, người chơi bắt buộc phải bỏ mạng vào hôm cuối cùng.

Quyết tâm ngăn chặn trào lưu chết người

Xuất phát từ Nga, trò chơi chết chóc đang lan rộng ra toàn thế giới, trong đó có cả châu Á. Vì thế, rất cần đến các giải pháp để ngăn chặn trào lưu này trở nên phổ biến hơn nữa. Thực tế, nhiều quốc gia đã đưa ra được vài phương pháp giải quyết hiệu quả.

Tại nhiều nơi trên thế giới, một đường dây nóng chuyên tư vấn những khúc mắc, tình cảm cho lứa tuổi vị thành niên đã được thành lập. Ở đây luôn có các tư vấn viên sẵn sàng nghe hết tâm sự và dành cho các em lời khuyên hữu ích.

Nhiều trường học trên thế giới đã tổ chức các buổi thuyết trình nhằm giúp học sinh hiểu hơn về mạng xã hội. Ảnh: Reuters.

Đặc biệt hơn, tại Ấn Độ hay Brazil, không ít buổi diễn thuyết về tác hại, lợi ích của mạng xã hội nói chung và "Cá voi xanh" nói riêng đã được tổ chức nhằm giúp học sinh có cái nhìn rộng rãi, tránh xa cạm bẫy.

Mạnh tay hơn, ở Trung Quốc, mọi hình ảnh, nội dung liên quan đến "Cá voi xanh" đều bị ẩn hoặc làm mờ, ngăn chặn triệt để trào lưu này xâm nhập. Bên cạnh đó, những ai bị phát hiện có ý định tuyên truyền nó đều nhanh chóng bị bắt giữ.

Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là đừng bao giờ coi thường trầm cảm và nỗi cô đơn. Vài người tuy vẻ bề ngoài rất bình thường, thậm chí hạnh phúc nhưng có lẽ trong lòng họ không hề cảm thấy yên ổn. Và đương nhiên, họ có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của "Cá voi xanh" bất cứ lúc nào.

Theo Theo Zing