Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 30, vừa tổ chức tại trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Cuộc thi với mục tiêu đẩy mạnh việc học tập, nghiên cứu các môn Cơ học, phát triển và khuyến khích các tài năng sinh viên trong các trường đại học, học viện.
Olympic Cơ học toàn quốc đã được tiến hành từ năm 1989 do Bộ GD&ĐT, Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hội Cơ học Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam đồng tổ chức.
Năm 2018, Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 30 đã diễn ra tại 3 địa điểm: Trường Đại học Xây dựng (khu vực miền Bắc); Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (khu vực miền Trung); Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (khu vực miền Nam) với 1262 thí sinh của 39 trường đại học, học viện trên khắp cả nước.
Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo đã chọn được 706 giải cá nhân bao gồm 15 giải Nhất, 75 giải Nhì, 151 giải Ba và 465 giải Khuyến khích.
Theo PGS. Nguyễn Đăng Tộ, trưởng ban Tổ chức của cuộc thi, lần đầu tiên, năm 1989, Cuộc thi chỉ có 2 môn thi tự luận, có 7 trường với 66 thí sinh tham gia.
Lần thứ 30, năm 2018, Cuộc thi có 12 môn thi gồm 7 môn thi tự luận và 5 môn thi ứng dụng Tin học (thi trên máy) , có 39 trường với 1262 thí sinh tham gia.
Như vậy là các môn thi đã bao gồm hầu hết các môn Cơ học được dạy trong các trường Đại học và Cao đẳng Kỹ thuật, nhất là những môn ứng dụng Tin học.
“Olympic Cơ học từ lâu đã là một trong những sân chơi trí tuệ cho sinh viên, nó có tác dụng động viên phong trào học tập trong sinh viên. Nhiều sinh viên đã phát huy được khả năng của mình qua các kỳ thi Olympic, sau đó được nhà trường, các thầy cô quan tâm tiếp tục bồi dưỡng họ đã trở thành những cán bộ khoa học tốt, nhiều người trong số họ hiện đã là tiến sĩ, phó Giáo sư, thậm chí là Giáo sư tại các trường trong nước cũng như ngoài nước hoặc trở thành các cán bộ giỏi được giao trọng trách ở các lĩnh vực khác nhau” – PGS. Nguyễn Đăng Tộ nói.