Tranh vẽ trong thời gian bị lưu đày
Sáng 12/11, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận bức tranh Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) của vua Hàm Nghi. Tác phẩm được Tiến sĩ lịch sử nghệ thuật Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi - trao tặng.
Bức tranh sơn dầu Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) do vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, thể hiện quang cảnh đồng quê gần nhà ông ở Algiers (thủ đô Algeria).
Phong cảnh hoàng hôn dưới góc nhìn ngược sáng là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông. Nhà vua sử dụng phong cách chấm họa ảnh hưởng từ các họa sĩ Pháp vào cuối thế kỷ 19. Năm 1926, bức tranh được bày tại phòng trưng bày Mantelet-Colette Weil ở Paris (Pháp).
"Bức tranh này được chọn để đưa về Việt Nam sau khi tham khảo ý kiến của cả gia đình. Đây là ví dụ tiêu biểu cho những nghiên cứu hội họa của vua Hàm Nghi, trong đó có ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu ấn tượng", TS Amandine Dabat nói.
Bà hy vọng việc trao tặng bức tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ mở đường hồi hương cho những tác phẩm hội họa khác của vua Hàm Nghi.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cũng khẳng định bức Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) làm giàu thêm cho bộ sưu tập của bảo tàng, là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật.
Vua Hàm Nghi học vẽ như thế nào?
Vua Hàm Nghi sinh năm 1871, lên ngôi năm 1884. Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, vua ban chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên kháng chiến.
Năm 1888, vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Algiers. Ông sống tại biệt thự trên khu đồi El Biar, cách thủ đô khoảng 12 km, vẫn giữ nếp sống theo phong tục nước nhà cho đến khi qua đời vào đầu năm 1944.
Vua Hàm Nghi được họa sĩ Marius Reynaud đào tạo về mỹ thuật từ năm 1889, theo mô hình Trường Mỹ thuật ở Paris. Vua Hàm Nghi cũng học điêu khắc từ năm 1895. Nghệ danh của ông là Tử Xuân.
Hậu duệ đời thứ năm khẳng định vua Hàm Nghi trở thành họa sĩ và nhà điêu khắc trong suốt thời gian lưu đày. Những tác phẩm đầu tiên ra đời từ năm 1889 đưa ông trở thành họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam.
"Suốt cuộc đời lưu đày ở Algeria, xa quê hương tổ tiên, vua Hàm Nghi tìm thấy trong nghệ thuật một không gian tự do mà ông không có được trong cuộc sống hàng ngày. Ông không tìm cách để làm cho mình được biết đến và cũng không lập trường phái riêng", TS Amandine Dabat chia sẻ. Bà cũng khẳng định nhà vua không vẽ tranh để kiếm tiền.
Vua Hàm Nghi vẽ nhiều tranh thiên nhiên. Ông yêu thích thử thách bắt được khoảnh khắc hoàng hôn. Theo TS. Amandine Debat, tranh của vua có cấu trúc chặt chẽ, màu sắc chọn lọc. Ông sáng tác nhiều tranh sơn dầu, phấn màu, điêu khắc đồng, thạch cao.
Bên lề sự kiện, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định vua Hàm Nghi có số phận đặc biệt, từ một hoàng đế lưu vong trở thành họa sĩ.
"Ông vẽ để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn ông trong những ngày xa quê. Hàm Nghi là vị vua toàn tài, trong cả hội họa lẫn điêu khắc với bút pháp hiện thực giàu cảm xúc", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.