Hỏi: Tôi 75 tuổi, thấy mệt mỏi, chán ăn, cơ teo đi khám được khuyên bổ sung kẽm. Xin hỏi, vai trò của kẽm trong việc tránh teo cơ ở người già? Tại sao người già thường thiếu kẽm và nguy cơ của nó. Bổ sung thế nào cho phù hợp? - Phạm Thị Minh (Hải Phòng).
GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia: Kẽm được biết đến như một khoáng chất vi lượng cần thiết. Kẽm can thiệp vào nhiều chuyển hóa gluxit, protein và axit nucleic. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng lên tất cả những gì có liên quan đến hoạt động nhân đôi của tế bào, sinh sản, tăng trưởng, liền sẹo và tính miễn dịch...
Dấu hiệu thiếu kẽm như móng tay dễ gẫy hoặc chậm mọc và có những vết trắng, da khô (biến đổi chuyển hóa axit béo) là một dấu hiệu gián tiếp. Ở người già, thiếu kẽm góp phần gây mất cân bằng đồng hóa với các tác nhân của lão hóa như gốc tự do và chất độc, tăng khả năng loãng xương và teo cơ. Những dấu hiệu khác thiếu kẽm là giảm sự ngon miệng, giảm vị giác, chậm liền sẹo, chậm mọc tóc và móng, tóc dễ rụng, khả năng miễn dịch suy giảm...
Theo dõi bằng đồng vị phóng xạ sự hấp thu kẽm trong cơ thể đã nhận thấy lượng hấp thu kẽm bị giảm theo tuổi già, tuy sự cân bằng kẽm vẫn còn nguyên vẹn. Kẽm có khả năng tác động tới hệ thống miễn dịch cơ thể và ở tuổi già thường thiếu kẽm nên đã giảm chức năng miễn dịch. Thử nghiệm bổ sung kẽm cho người cao tuổi đều thấy ức chế sự giảm khả năng miễn dịch và kích thích miễn dịch.
Vì vậy, người già nên bổ sung kẽm với nam là 15mg và nữ là 12mg/ngày. Thực phẩm chứa nhiều kẽm là sò, hàu, thịt bò, cừu, gà, lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua, mầm lúa mỳ, hạt bí ngô, ca cao và socola, các loại hạt (nhất là hạt điều), nấm, đậu, hạnh nhân, táo, lá chè xanh...