KHI LÍNH XĂM MÌNH
Phần lớn khách mời tới tọa đàm Hình xăm với chiến sĩ - Thực trạng và giải pháp do báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức ngày 29/5 đều cảm thấy tò mò. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập báo QĐND nêu hiện tượng một bộ phận chiến sĩ trẻ mang theo hình xăm khi nhập ngũ. Dù khẳng định không kỳ thị người xăm mình, nhưng chủ tọa gợi mở chủ đề thảo luận xoay quanh thực tế chiến sĩ xăm mình, góc nhìn đối sánh từ văn hóa tới y tế đối với hình xăm, cách ứng xử với hình xăm.
Bộ Quốc phòng có những quy định riêng khi tuyển quân trong đó không chấp nhận hình xăm, tuy thế qua thời gian thấy chưa phù hợp nên có những điều chỉnh: Thanh niên có hình xăm nhỏ, không phản cảm và không trái quy định tuyển chọn đều được hội đồng nghĩa vụ quân sự ở địa phương và đơn vị nhận quân xem xét tuyển chọn nhập ngũ. Những hình xăm như bông hồng, ngày kỷ niệm chẳng hạn không nằm trong danh sách bị từ chối.
Một chiến sĩ trẻ của Lữ đoàn 144 khẳng định đơn vị này “nói không với hình xăm, không chiến sĩ nào xăm mình”. Thượng tá Đỗ Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 khẳng định đơn vị mình vẫn có chiến sĩ xăm mình. Mỗi năm đơn vị đón trên dưới 3 nghìn chiến sĩ mới, ba năm trở lại đây có tới 20% số chiến sĩ xăm mình-cao gấp đôi con số khảo sát BTC đưa ra tại tọa đàm. “Tỷ lệ xăm mình ở quân nhân có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thấp hơn các chiến sĩ còn lại. Hình xăm phản ánh nhận thức, văn hóa của thanh niên”, ông nói.
Thượng tá Đỗ Ngọc Anh chỉ vào chiến sĩ trẻ tên Doanh cũng có hình xăm. Binh nhất này mang hình đầu hổ khá lớn ở bả vai trái từ năm học lớp 12, tự nhận anh quyết định xăm do sự hiếu kỳ của tuổi trẻ. Sau này vào quân ngũ dù đồng đội không kỳ thị nhưng anh nói tự thấy mình khác biệt. Khi được hỏi bây giờ còn thích hình xăm này không, Doanh thật thà nói không, cảm thấy hối hận.
Chuyện chiến sĩ xăm hình gây ảnh hưởng nhất định tới quá trình quản lý sinh hoạt, huấn luyện là có thật. Nhiều chỉ huy đơn vị kể, có những chiến sĩ mang hình xăm lộ ra bên ngoài trong quá trình huấn luyện, chơi thể thao gây phản cảm. Đáng ngại nhất là khi đưa những chiến sĩ này đi dân vận khiến người dân lo ngại. Có vị chỉ huy nói thẳng “cực chẳng đã mới phải nhận chiến sĩ có hình xăm”.
ỨNG XỬ THẾ NÀO?
Ông Phạm Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi, quận Long Biên nêu ý kiến nên có cái nhìn mới hơn về các hình xăm với chiến sĩ, chỉ nên từ chối những hình xăm gây chia rẽ dân tộc, kỳ quái, kích động bạo lực. “Theo tôi hình xăm là thứ bên ngoài, chưa đánh giá chính xác bản chất của các em, một vài hình xăm quá nhỏ không ảnh hưởng quá nhiều nghĩa vụ quân sự”, ông nói.
Cục phó Cục Quân y, Bộ Quốc phòng nêu quan điểm hình xăm đối với công dân là quyền cá nhân. Đối với một số lực lượng vũ trang đặc thù như vệ binh, tiêu binh nghi lễ hoặc sĩ quan có quy định riêng. Cục Quân Y có quan điểm rõ ràng: Ngoài tiêu chuẩn sức khỏe đều xem xét tính thẩm mỹ của hình xăm trong quá trình tuyển quân.
Ban tổ chức mời nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong và hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ quan điểm về hình xăm trong lĩnh vực người đẹp. Ngọc Hân lấy làm tiếc cho những người đẹp có ý định thi Hoa hậu Việt Nam nhưng lỡ xăm mình, đánh mất cơ hội. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam không chấp nhận thí sinh xăm mình.
Nhà báo Lê Xuân Sơn giải thích do đây là tiêu chí của cuộc thi, chưa hẳn là không phù hợp với truyền thống dân tộc bởi dân ta từ xa xưa có phong tục xăm mình. “Chúng ta không thể đánh giá hình xăm một chiều được. Xăm mình trên thế giới khá phổ biến, có những nơi có nguồn gốc văn hóa tâm linh riêng nhưng sau này tính chất văn hóa nhòa dần đi và nghiêng sang ý nghĩa trang trí đối với đông đảo thanh niên”, nhà báo Lê Xuân Sơn nêu.
Đại tá Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ (Viện bỏng quốc gia) đánh giá xăm hình không xấu, phụ thuộc mỗi nền văn hóa, nhận thức từng dân tộc và cá nhân. Ông Vinh phân tích về khả năng xóa hình xăm. Công nghệ lazer dễ dàng giúp xóa hình xăm từ năm 1970 đổ về trước, tuy nhiên công nghệ xăm hiện đại ngày nay gần như phải can thiệp bằng phẫu thuật ghép da. “Xăm là vĩnh viễn, đừng nghĩ xóa được”, ông nói.
PGS.TS. Trịnh Hòa Bình nhắc lại hầu như không có quy định pháp luật nào nghiêm cấm hay giới hạn hình xăm hay người xăm mình, chủ yếu họ bị lên án từ góc độ chuẩn mực văn hóa đạo đức trong xã hội, nhất là từ những người lớn tuổi. Ông nói thêm, nên xem xét những quy định cởi mở hơn về việc quân nhân có được xăm mình hay không. Ông đặt vấn đề phải làm rõ xem hình xăm có thực sự đe dọa tính thống nhất của đội ngũ hay không, có ảnh hưởng tới công tác không.
Nhà nghiên cứu biểu tượng học, PGS.TS. Đinh Hồng Hải có cái nhìn toàn diện về hình xăm từ nguồn gốc, đối sánh Đông-Tây, xưa-nay, ký hiệu-nghệ thuật, truyền thống-hiện đại. “Một điều dễ nhận thấy đối với chúng ta đó là quan niệm về hình xăm luôn thay đổi nhưng hình thức của hình xăm thì không dễ đổi thay và càng không thể xóa bỏ. Xăm mình hay không là quyền của mỗi con người đối với chính cơ thể của họ. Tác phẩm xăm trên cơ thể mỗi người là tấm bằng hay dấu triện chứng nhận trình độ thẩm mỹ và văn hóa của bản thân”, PGS.TS. Đinh Hồng Hải nói.
Dù không kỳ thị, phân biệt đối xử với chiến sĩ có hình xăm, tuy nhiên nhiều vị chỉ huy trong lực lượng vũ trang vẫn đặt vấn đề nên có giải pháp đồng bộ về hình xăm trong chiến sĩ. Ông Phạm Văn Huấn khuyến khích chiến sĩ cần có nhận thức, ứng xử đúng về hình xăm trong đó các đơn vị nên tuyên truyền để chiến sĩ tự giác nói không với hình xăm. Đại úy Cao Đức Trí (Quân đoàn 4) nói về phương pháp đem tác động xấu của hình xăm để giáo dục chiến sĩ: Hình xăm có thể gây ung thư da, mô mềm, lây lan một số bệnh như viêm gan, HIV.
PGS.TS. Trịnh Hòa Bình nhắc lại hầu như không có quy định pháp luật nào nghiêm cấm hay giới hạn hình xăm hay người xăm mình, chủ yếu họ bị lên án từ góc độ chuẩn mực văn hóa đạo đức trong xã hội, nhất là từ những người lớn tuổi. Ông nói thêm, nên xem xét những quy định cởi mở hơn về việc quân nhân có được xăm mình hay không. Ông đặt vấn đề phải làm rõ xem hình xăm có thực sự đe dọa tính thống nhất của đội ngũ hay không, có ảnh hưởng tới công tác không.