Tranh chấp trên biển Đông phá tính bền vững nghề cá

TP - Nhận định này được ông Simon Funge Smith, Thư ký Ủy ban Nghề cá châu Á - Thái Bình Dương (APFIC) đưa ra khi trao đổi với Tiền Phong bên lề kỳ họp toàn thể lần thứ 32 giữa các nước thành viên của Ủy ban này cùng các tổ chức trong khu vực, khai mạc tại Đà Nẵng sáng 20-9.
Ông Simon Funge Smith, Thư ký Ủy ban Nghề cá châu Á-Thái Bình Dương bày tỏ lo ngại về tranh chấp trên biển Đông Ảnh: Nguyễn Huy

> Nghiên cứu phát triển trung tâm nghề cá ĐBSCL

Hơn 60 đại diện đến từ 21 quốc gia thành viên APFIC và các tổ chức quốc tế trong khu vực để bàn về các vấn đề liên quan tới quản lý, khai thác nghề cá và nuôi trồng thủy sản.

Theo APFIC: Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng cao. Sản lượng nghề khai thác thủy sản ở 2 khu vực này đạt 48,7 triệu tấn (năm 2010), chiếm 50% tổng sản lượng khai thác trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, hoạt động này đang đối mặt với nhiều thách thức: Dịch bệnh phát sinh, công nghệ đánh bắt hủy diệt, biến đổi khí hậu.

Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay: Với đặc thù bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế rộng, hai quần đảo lớn Hoàng Sa, Trường Sa, việc khai thác thủy sản của Việt Nam và Đà Nẵng được chú trọng.

Đội tàu lớn, dịch vụ hậu cần, khu chế biến thủy sản được đầu tư,?nhưng nghề cá gặp không ít khó khăn do thiên tai, biến động giá cả xăng dầu khiến năng suất chưa ổn định, hiệu quả chưa xứng tiềm năng.

Theo ông Simon Funge Smith, lo ngại lớn của APIFC hiện nay là những diễn biến tranh chấp trên biển Đông đang có xu hướng gia tăng, xuất phát từ vấn đề lịch sử và có thể còn kéo dài, chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Do tranh chấp, các nước liên quan đã tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực bằng việc tập trung trong số lượng lớn tàu cá, tàu tuần tra hoạt động gây ảnh hưởng đến tính bền vững của nguồn lợi thủy sản trong khu vực và hoạt động nghề cá: Thu hẹp ngư trường, thiệt hại tài sản, ngư cụ đánh bắt của ngư dân, ô nhiễm môi trường biển.?

"Chúng tôi hy vọng tranh chấp giữa các bên liên quan sẽ được giải quyết thông qua con đường ngoại giao, hòa bình. Điều này tác động lớn tới hoạt động nghề cá", ông Simon Funge Smitt nhấn mạnh.

Tại kỳ họp, đại diện các nước khu vực tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp như: Làm thế nào để nghề cá ven bờ bền vững, đảm bảo sinh kế, chuyển đổi nghề cho ngư dân ven bờ; hỗ trợ ngư dân ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu…

Điều tra hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân

TS. Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngay sau đợt tăng giá xăng dầu, Tổng cục tiến hành thăm dò điều tra cụ thể về tác động giá xăng dầu với hoạt động khai thác, vươn khơi của ngư dân. Trên cơ sở đó có hướng đề xuất hỗ trợ cụ thể đối với ngư dân.

Theo Báo giấy