Trong thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn đã tiến hành xây dựng đền ông Hoàng Bảy tại khu du lịch cầu kính Rồng Mây ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã tiến hành các hoạt động tâm linh như làm lễ, lên đồng tại đây.
Việc xây dựng đền ông Hoàng Bảy tại khu du lịch này gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người cho rằng phía doanh nghiệp đang "buôn thần, bán thánh", khi đền thờ ông Hoàng Bảy từ trước đến nay đã được đặt tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Ban quản lý di tích và phát triển du lịch huyện Bảo Yên cho biết việc xây dựng đền Bảo Hà tại khu du lịch cầu kính Rồng Mây là không phù hợp.
Theo ông Quyền việc lập đền thờ đối với Đức Thánh Hoàng Bảy - một người có công với đất nước, là tâm linh của mỗi người. Tuy vậy, có những thông tin xung quanh việc đền thờ ông Hoàng Bảy đã có từ trước tại khu vực cầu kính Rồng Mây (Tam Đường, Lai Châu) là không chính xác, sai sự thật. Việc này sẽ gây hiểu lầm đối với du khách thập phương, nhất là những người chưa tìm hiểu hay biết đến đền Bảo Hà.
Sau khi có thông tin xây dựng đền Bảo Hà trên địa bàn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, phía ban cũng đã báo cáo Sở Văn hóa - Thể thao Lào Cai đồng thời đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu làm rõ nội dung này, ông Quyền cho biết thêm.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Lê Chiến Công - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho hay phía Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn trong quá trình xây dựng khu du lịch tâm linh có xin khảo sát xây dựng đền ông Hoàng Bảy. Tuy nhiên, phía đơn vị không đồng ý cấp phép.
Theo ông Công, việc xây dựng đền ông Hoàng Bảy cần chứng minh được lịch sử của nó đối với lịch sử, văn hóa. Phía cơ quan chức năng sẽ cử cán bộ chuyên môn xác minh, làm rõ việc đơn vị này xây dựng và đưa vào hoạt động đền ông Hoàng Bảy trong khu du lịch cầu kính Rồng Mây.
Về phía Khu du lịch cầu kính Rồng Mây, ông Nguyễn Văn Huân, Tổng Giám đốc Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây lại khẳng định ngay từ đầu, đơn vị đã có quyết định đầu tư xây dựng khu tâm linh tại Khu du lịch cầu kính Rồng Mây. Khi công ty đến khu vực này người dân địa phương đã có bát hương thờ ông Hoàng Bảy ở đây từ trước. Phía doanh nghiệp chỉ phát triển thêm.
Ông Huân lý giải trước đây ông Hoàng Bảy có cai quản tỉnh Hoàng Liên Sơn (gồm Yên Bái - Lào Cai - Lai Châu), nên việc mở ở đây không có gì là lạ. Thêm nữa, việc thờ thần linh do tự do tín ngưỡng, việc lập đền tại khu vực thờ ai là do phía công ty thống nhất và lựa chọn.
Báo Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Theo các tích xưa, ông Hoàng Bảy hay thường gọi là Ông Bảy Bảo Hà. Ông là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh Hưng, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá.
Triều đình bèn cử ông, dọc theo sông Hồng, lên đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải nơi Bảo Hà, Lào Cai. Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp.
Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông. Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại.
Sau này khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong đền Bảo Hà, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc_ Quan Hoàng Bảy Bảo Hà”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng, hóa thánh vào hệ thống Thánh Hoàng trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu.