Tranh cãi 'thương cho roi vọt' vụ cô giáo đánh nhiều học sinh ở TP.HCM

Một số người cho rằng ngày xưa, học sinh bị cô giáo đánh có sao đâu, phụ huynh đừng làm quá lên. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác phản đối vì "thương cho roi vọt" không còn phù hợp.
Cô giáo véo tai hàng loạt học sinh lớp 2. Ảnh: Cắt từ clip.

Câu chuyện cô giáo lớp 2/11, trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) tát, véo tai, chửi mắng học sinh khi các em không hiểu, làm bài tập sai, nhận được sự quan tâm của dư luận. Một lần nữa chủ đề giáo dục con trẻ "yêu cho roi vọt" nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

"NẾU KHÔNG TIN GIÁO VIÊN, PHỤ HUYNH ĐEM CON VỀ NHÀ DẠY"

Luồng ý kiến cho rằng "cô giáo đánh học sinh như thế là bình thường" nêu quan điểm vì roi vọt, các em sẽ sớm trưởng thành. 

Bạn Nam Trần kể từ năm lớp 3 đến lớp 5, thành viên này từng bị giáo viên đánh bằng chiếc thước to gấp 10 lần như trong clip. Giáo viên cũng bạt tai học trò giữa lớp. Anh cho rằng cô giáo trong clip "đánh một xíu" mà phụ huynh đã kêu la, phản đối. Nếu như học sinh đi học mà không chịu nghe và không sợ thầy cô thì về nhà còn coi ai ra gì nữa?

“Tại sao thầy cô lại đánh học sinh? Vì chúng bướng, quậy phá. Vài năm trở lại đây, nhiều học sinh mới lớp 9, 10 đã phạm tội hình sự. Vì vậy, phụ huynh hãy để việc học theo tự nhiên của trường lớp, đừng can thiệp quá sâu”, bạn Nam Trần nêu quan điểm.

Người có tài khoản Nguyễn Khang phản đối việc làm của phụ huynh là lắp camera để tố giáo viên. Bởi, phụ huynh đã tin tưởng, nên giao cho nhà trường dạy dỗ các em.

“Ngày xưa, tôi từng bị đánh nhiều hơn như thế mới không tái phạm. Còn thương, xót con thái quá, phụ huynh hãy để chúng ở nhà tự dạy dỗ. Một chút khổ cực đã không chịu nổi, sau này lớn lên, các em khó chịu được những khó khăn”, Nguyễn Khang viết.

Trong khi đó, bạn đọc Tin Tin cho rằng thời đại 4.0, học trò ở nhà hết iPad đến điện thoại thông minh, bài học thì đối phó, lơ là. Phụ huynh luôn nói lý do bận kiếm tiền, phó mặc hết cho nhà trường. Bố mẹ kiểm tra bài, thấy con không làm được lại "nhảy dựng" lên đổ lỗi cho nhà trường.

"Nếu phụ huynh sợ con bị đánh thì đừng cho đi học, hãy ở nhà tự dạy con xem có đánh con không? Học sinh 30-40 em mỗi lớp, cô giáo có đánh như thế là bình thường”, độc giả này viết.

Nguyễn Lê lại cho rằng đừng nhìn vào kỹ năng sư phạm, hãy nhìn vào đạo đức thanh niên đáng báo động ngày nay. Thuộc thế hệ 7X, người này nói họ trưởng thành và lớn lên phần lớn nhờ nguyên tắc “tôn sư trọng đạo”. Khi cho con học mầm non, anh đã nhờ giáo viên “nếu cháu hư, cô cứ đánh đòn”. Kết quả cho thấy những đứa trẻ này rất ngoan và biết trước, sau.

VI PHẠM ĐẠO ĐỨC GIÁO VIÊN

Trái ngược với luồng ý kiến trên, nhiều độc giả cho rằng hành vi của cô giáo tàn nhẫn, vi phạm đạo đức giáo viên. 

Bạn Đại Nhân nêu quan điểm thời đại này, giáo viên không thể cư xử với học sinh theo cách lôi các em ra mắng, chửi. Hành động này sẽ khiến trẻ sợ đi học, ảnh hưởng tâm lý sau này. Người này kể ngày xưa, khi anh học lớp 2 viết sai, bị điểm kém, cô giáo véo tai, tát, cầm cả hộp bút sắt đập vào tay, đến giờ vẫn bị ám ảnh.

Nguyễn Thủy bình luận những người cho rằng hành vi của giáo viên là bình thường vì họ chưa lập gia đình, chưa nuôi con. Nếu chẹp miệng chấp nhận để cô giáo đánh, chửi con như vậy, có lẽ ở nhà, họ cũng có thể bạo lực với con.

“Đây chỉ là camera ghi trong 4 ngày, nếu chúng ta vẫn chấp nhận hành vi của cô, phải đợi đến lúc con bị hậu quả nặng mới đồng nghĩa giáo viên sai? Nhìn những đứa trẻ non nớt mới vào đầu năm học đã bị đánh như vậy không thấy thương sao? Nếu nhẹ nhàng với tình trạng bạo lực, nhiều trường hợp tương tự còn xảy ra”, Nguyễn Thủy nói.

Một độc giả cũng làm nghề giáo cho rằng không thể chấp nhận hành vi này của đồng nghiệp. Cô giáo đánh, tát học sinh như đang trút giận, bào mòn lòng tự trọng của các em, đồng thời làm mất tư cách của chính mình.

Hồi nhỏ, học sinh nói chuyện trong lớp, bị cô giáo bắt ngậm thước, không thuộc bài bị quỳ gối, đánh vào tay, véo tai… Bạn Khiết Thảo bảo đó là câu chuyện của thời xưa, thời nay không thể đối xử với học sinh như vậy. Quan niệm "thương cho roi vọt" đã lỗi thời. 

“Thương cho roi vọt” nên hiểu là sự nghiêm khắc, học trò mắc lỗi, cùng lắm nên quất roi vào mông. Nhưng, nhìn giáo viên này đánh học sinh như côn đồ, hành hung chứ không phải dạy dỗ".

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của việc giáo viên đánh học sinh do giáo dục ngày càng thay đổi, áp lực thành tích. Một trường có 100 chỉ tiêu luôn giao 95 em đạt loại giỏi, 5 em loại khá. Nếu lớp nào có học sinh trung bình và yếu thì các cô sẽ bị kỷ luật.

Nghi ngờ cô giáo lớp 2/11, trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) có hành vi bạo lực với học sinh, phụ huynh lớp này đã bí mật đặt camera ghi lại hình ảnh trong 4 ngày. Xem hình ảnh được ghi lại, nhiều phụ huynh sững sờ, tức giận khi thấy giáo viên liên tục đánh, tát tai, mắng chửi học sinh.

Trao đổi với Zing.vn, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết: "Sự việc trên Phòng giáo dục nắm được thông tin từ giữa tháng 9. Thanh tra quận Tân Phú đang xác minh làm rõ. Cô giáo tạm thời bị đình chỉ công tác giảng dạy và chuyển cô qua làm bộ phận khác”.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin sở đã đề nghị xử lý nghiêm. “Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, đánh học sinh như thế, đề nghị phải cho nghỉ việc, ra khỏi ngành giáo dục”, bà Thu nói.

Theo Theo Zing