Tranh cãi gay gắt về việc Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO

TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ các chính khách nước ngoài và ngay trong chính nội bộ nước Mỹ sau khi đưa ra tuyên bố “cắt đứt quan hệ” với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong ngày hôm qua (30/5).
Mỹ hiện tại vẫn là quốc gia tài trợ nhiều nhất cho WHO. Ảnh: AFP.

Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã kêu gọi ông Trump nên cân nhắc lại quyết định này, trong khi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã gọi nước đi này từ phía chính quyền Washington là một thất bại đáng thất vọng cho “sự hợp tác y tế toàn cầu", mặc dù ông cũng cho rằng WHO cần có “sự cải tổ triệt để”.

Cụ thể hơn, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng một số lãnh đạo chủ chốt của EU đã đưa ra một thông cáo báo chí về vấn đề này, trong đó có ghi: “Trong bối cảnh thế giới hiện đang phải đối phó với một mối đe dọa toàn cầu [COVID-19], đây là lúc để tăng cường hợp tác và tìm ra các giải pháp chung, đồng thời chúng ta cần tránh những hành động làm suy yếu sự hợp tác quốc tế. Do đó, EU mong muốn phía Mỹ xem xét lại các quyết định đã được đưa ra”.

Bên cạnh đó, đồng minh lâu năm của Mỹ ở châu Âu là Anh cũng đã bày tỏ quan điểm của mình khi nhận định WHO vẫn đóng một vai trò quan trọng với vai trò tiên phong trong các phản ứng nhằm đối phó với  đại dịch COVID-19 và khẳng định nước Anh cam kết vẫn sẽ duy trì khoản tiền tài trợ cho tổ chức này.

Về phía nội bộ nước Mỹ, mới đây Chủ tịch ủy ban Y tế của Thượng viện Mỹ là ông Lamar Alexander cho rằng động thái này của chính phủ Mỹ có thể cản trở việc hợp tác nghiên cứu nhằm tạo ra vaccine phòng COVID-19 và thúc giục ông Trump thu hồi lại quyết định trong “thời gian sớm nhất”.

 Ông Trump thường xuyên chỉ trích WHO liên quan đến đại dịch COVID-19. Ảnh: EPA.

Trước đó, trong một cuộc họp báo ở nhà Trắng vào ngày hôm qua, ông Trump đã tuyên bố chấm dứt mối quan hệ hợp tác giữa quốc gia này với WHO sau khi tổ chức này chậm trễ trong việc thực hiện cải tổ theo yêu cầu của phía Mỹ và sẽ chuyển nguồn ngân sách tài trợ cho WHO sang hỗ trợ các “vấn đề y tế khẩn cấp khác của thế giới”.

Được biết các quyết định liên quan đến việc chấm dứt việc hợp tác giữa Mỹ và WHO có thể sẽ được thông báo trước trong vòng 1 năm theo thỏa thuận được ký kết năm 1948 nên vẫn chưa rõ khi nào quyết định này từ phía chính quyền Washington sẽ chính thức có hiệu lực.

Cũng trong cuộc họp báo nói trên, ông Trump cũng cho rằng Trung Quốc đang hoàn toàn chi phối các hoạt động của WHO và cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đã gây sức ép buộc tổ chức này phải “đánh lạc hướng dư luận thế giới” trong các thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19.

Theo Theo BBC