> Bí ẩn từ những khối đá ở Tràng An - Bái Đính
> Quan chức UNESCO "mê mẩn" Tràng An
Ở đây, đâu đâu cũng thấy các tháp, chóp nón, chuông rồi thành lũy hoặc cung kiếm đan xen với một mạng lưới phức tạp các hố sụt, lũng kín to nhỏ, nông sâu khác nhau, đa số có dạng đẳng thước, tròn hoặc ô van, nhiều lũng đã ăn rất sâu xuống tận mực nước ngầm.
Ngoài ra, cũng có nhiều lũng kết nối với nhau bởi một hệ thống các hang xuyên thủy hẹp và quanh co, cũng có nhiều lũng khác lại liên thông với nhau hoàn toàn để trở thành những thung lũng dạng tuyến kéo dài, điển hình như ở khu vực Tam Cốc - Bích Động.
Trong các hố sụt, lũng kín và đặc biệt là trong các thung lũng dạng tuyến, mạng lưới sông hồ cực kỳ phát triển, nhiều nơi chúng được nối liền với nhau bởi các dòng chảy ngầm trong các hang xuyên thủy, có hang dài tới 600m. Từ trần hang rủ xuống các nhũ đá, rèm đá, chuông đá muôn màu, muôn vẻ cùng các giọt nước tí tách rơi, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, đầy sống động, kỳ vĩ.
Hòa quyện vào sắc màu, cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan hùng vĩ đó là thảm rừng nguyên sinh rậm rì, xanh ngút ngàn quanh năm ở khắp chốn khắp nơi, thậm chí treo lửng lơ trên các vách đá vôi dựng đứng.
Vẻ đẹp toàn vẹn
Theo các nhà khoa học, khu vực đề cử di sản từ lâu cũng đã bao gồm toàn bộ Cố đô Hoa Lư, các khu du lịch sinh thái Tràng An - Tam Cốc - Bích Động với các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống đặc biệt, thời gian gần đây được bổ sung thêm nhiều phát hiện khảo cổ học hang động có giá trị nổi bật toàn cầu, thể hiện quá trình tương tác và thích ứng của người tiền sử với môi trường tự nhiên đầy biến động. Theo đó, các di tích khảo cổ học được thể hiện một cách toàn vẹn.
Thứ nhất, giá trị nổi bật toàn cầu của di tích và di vật khảo cổ ở đây là truyền thống cư trú lâu dài trong hang, truyền thống sử dụng đất và biển trong nhiều thời kỳ biển tiến-biển thoái, sự tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên biến động. Tất cả các yếu tố đó đều đảm bảo tính toàn vẹn.
Thứ hai, các di tích khảo cổ đều nằm trọn vẹn trong phạm vi đề cử di sản, đều đang ở trong trạng thái nguyên vẹn, được bảo tồn tốt, đều là loại hình di tích hang động hoặc mái đá, ở nơi quá trình karst đã kết thúc từ lâu. Các hang này thường khô ráo và thông thoáng, không bị ngập nước vào mùa mưa. Bề mặt các di tích khảo cổ hang động hoặc mái đá ở khu vực đề cử di sản đều khá bằng phẳng, đôi khi phủ một lớp nhũ đá dày - được ví như tấm áo giáp bảo vệ cho tầng văn hóa phía dưới của di tích được nguyên trạng.
Thứ ba, vùng đệm khá rộng bao trọn vẹn vùng di sản đề cử, bảo vệ di sản một cách có hiệu quả trước mọi tác động không mong muốn từ bên ngoài. Có một số làng xã nhỏ với phương thức sinh kế chính là nghề nông, làm ruộng hoặc đánh bắt thủy sản. Ở rìa phía Nam khu đề cử di sản có 2 nhà máy xi măng và làng nghề khắc chạm đá nhưng ảnh hưởng của chúng đã được nhận biết và kiểm soát kỹ lưỡng.
Khoảng 10 năm trước, Khu quần thể hang động Tràng An và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư gần như còn nguyên vẹn và đến nay, các khu vực này đã được điều tra, đánh giá tổng thể trước khi chuyển sang bảo tồn và sử dụng bền vững.
Đến nay, ở khu di sản đề cử đã có 30 di tích khảo cổ học được phát hiện và nghiên cứu bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng như các chuyên gia Trường Đại học Cambridge, trong đó 16 di tích đã được đào kiểm tra hoặc khai quật. Các di tích này có tầng văn hóa dày từ 0,5 đến trên 3,0m, được bảo tồn nguyên vẹn.
Cũng trong khu vực di sản đề cử, hàng trăm di tích, danh thắng đã được nhận diện, lập hồ sơ xếp hạng, trong đó có 12 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 25 di tích cấp Quốc gia và 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Cố đô Hoa Lư và Khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động).
Để bảo tồn hiện trạng các di tích khảo cổ học mang tầm quốc tế này, nhiều biện pháp và hoạt động nghiên cứu đã được các cơ quan quản lý, nghiên cứu tiến hành. Đặc biệt, tháng 3-2012, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã được thành lập với chức năng, nhiệm vụ là quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, trở thành đơn vị đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư địa phương trong việc quản lý, bảo vệ vững chắc di sản.
Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ, nhiệm vụ du lịch gắn kết với các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn khác là rất cần thiết và quan trọng. Ninh Bình nỗ lực tập trung thúc đẩy lĩnh vực du lịch và quảng bá cảnh quan ở tầm cỡ thế giới.