Sáng 12/10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu đoàn ĐBQH Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Trường học cũng thiếu, bệnh viện cũng thiếu
Trao đổi về một số vấn đề dư luận quan tâm, ông Đinh Tiến Dũng nói về dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo ông Dũng, đây là dự án có ý nghĩa lớn, góp phần phát triển Thủ đô và các tỉnh liên quan. Thủ đô hiện phát triển rất mạnh, xuất hiện nhiều bất cập về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...Trường học thiếu, bệnh viện cũng thiếu.
"Bây giờ có phường ở quận Hoàng Mai tới 9 vạn dân. Vô cùng khó khăn. Nếu không mở rộng vành đai phát triển Thủ đô thì những vấn đề về hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết", ông Dũng nói.
Trong phần trao đổi, ông Dũng cũng nêu, qua đợt dịch COVID-19 mới thấy y tế Hà Nội, dù thuộc hạng mạnh nhất cả nước, nhưng cũng rất mong manh. Phường Hoàng Liệt của quận Hoàng Mai có 9 vạn dân, trong khi xã ít dân nhất ở huyện Gia Lâm có khoảng 5 nghìn người.
"Cùng một phường, xã theo quy định chỉ có 1 trạm y tế, mà 1 trạm y tế biên chế 5 - 10 người. Lúc có dịch, một xã 5 nghìn người đã gặp khó khăn rồi. Một phường 9 vạn dân thì sao tải được", ông Dũng nói, đồng thời cho biết, hiện quy định phân theo địa giới hành chính, mỗi xã, phường chỉ có 1 trường tiểu học, 1 trường trung học, 1 trạm y tế xã nên xảy ra tình trạng thiếu trường học, thiếu trạm y tế, cần phải xem xét lại.
Bí thư Hà Nội cho biết, thành phố đã tập trung triển khai, báo cáo cấp có thẩm quyền, phối hợp với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, cam kết tiến độ triển khai xây dựng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào vận hành năm 2027.
Ông Dũng cũng nêu về chủ trương cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Theo ông Dũng, chung cư cũ vô cùng nguy hiểm. Trong bối cảnh có nhiều vụ cháy xảy ra thời gian qua thì càng thấy nguy hiểm hơn.
"Thành phố đã báo cáo Chính phủ về đề án. Chính phủ rất quan tâm, đã sửa đổi quy định về cải tạo chung cư cũ. Tinh thần của thành phố là cải tạo chung cư cũ theo từng khu, làm sao nâng cao đời sống, đảm bảo an toàn cho người dân", ông Dũng nói.
Thúc đẩy các dự án trọng điểm
Bí thư Hà Nội cũng cho biết, vừa qua, thành phố đã khánh thành hầm chui Lê Văn Lương để giải quyết ùn tắc tại đây, hay khởi công hầm chui đường Vành đai 2,5 sau khi kéo dài hơn chục năm...
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, thúc đẩy các dự án trọng điểm đang chậm.
"Năm ngoái, nếu không quyết tâm, quyết liệt thì không thể đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động. Một dự án lớn khác là tuyến Nhổn - ga Hà Nội, phần nổi hơn chục cây số sẽ đưa vào hoạt động cuối năm nay, nhưng phần ngầm 4 cây số chậm hơn 4 năm nay", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, vừa qua, thành phố đã giải quyết một số vấn đề của dự án này. Về phần giải phóng mặt bằng, khi làm ngầm khiến nhà của một số hộ dân bị nứt, phải có chính sách cụ thể.
"50 hộ bị ảnh hưởng, 7 hộ thì khả năng phải đập đi xây lại, 43 hộ còn lại di cư, sau đó sẽ quay về", ông Dũng nói, đồng thời cho biết, đây là dự án quan trọng, nếu không làm đường sắt đô thị sẽ không giải quyết được vấn đề giao thông, khói bụi, ô nhiễm...
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu, một vấn đề cần giải quyết là phân cấp giải quyết thủ tục hành chính. "Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi trăn trở với câu này, nghĩa đen cũng có nghĩa bóng cũng có", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, qua rà soát, vừa qua, thành phố đã tiến hành phân cấp hơn 600 thủ tục hành chính về quận, huyện. Trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, phân cấp triệt để hơn nữa.
Ông Dũng nêu ví dụ, ở quận, huyện muốn xây trường THPT nhưng thẩm quyền lại thuộc về thành phố. "Nhưng quan điểm của chúng tôi khác. Anh em nói theo Luật Giáo dục, cấp THPT là tỉnh, thành quản lý. Tôi nói không phải như thế. Tỉnh, thành quản lý nhà nước về mặt giáo dục, còn cơ sở vật chất thì không", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, từ lý do trên, có địa phương xin thành phố xây trường THPT 3 năm không được. Thậm chí, sửa trường cũng phải xin phép thành phố. "Từ nay trở đi, như chỗ Gia Lâm xin 3 năm không xây được trường thì cứ thế mà làm, không phải đi xin nữa. Bây giờ các đồng chí cứ thế mà làm", ông Dũng nói.