Tràn ngập clip mang tiêu đề 'Trực tiếp đám tang Mai Phương' gây phẫn nộ

TPO - Câu chuyện đám đông xấu xí tại các lễ tang nghệ sĩ không còn mới, nhưng mỗi lần thêm một nghệ sĩ qua đời là vấn nạn này lại được lặp lại khiến cộng đồng vô cùng bức xúc.

Những đám đông xấu xí 

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, lễ viếng diễn viên Mai Phương được gia đình tổ chức giản dị, kín đáo và hạn chế số người đến viếng. Tuy nhiên, ngay khi thông tin nữ diễn viên qua đời, trên youtube đã tràn ngập các clip mang tiêu đề "Trực tiếp đám tang diễn viên Mai Phương".

Thực tế, đây là loạt livestreams giả được cắt dựng từ nhiều nguồn hình ảnh khác nhau, thậm chí lấy cả hình ảnh tang lễ của các nghệ sĩ khác để gây sự tò mò, hiếu kì cho cộng đồng mạng. Ngoài ra còn có những tài khoản dựng hẳn bản tin có MC dẫn dắt, nói về tiểu sử của Mai Phương nhưng vẫn giật title "trực tiếp đám tang" để hút nhiều người xem. Dưới phần bình luận của các clip, rất nhiều người bày tỏ sự tức giận với hành động kém văn minh này.

Bạn bè, người thân bức xúc khi những hình ảnh về đám tang của Mai Phương bị cắt ghép để câu view trên mạng.

Diễn viên Ốc Thanh Vân, một người bạn thân thiết của Mai Phương, và diễn viên Gia Bảo bức xúc bày tỏ trên facebook cá nhân. "Tôi đã vào bình luận và nhắn tin xin xoá giúp. Nhưng họ vẫn để và bây giờ đã tràn lan. Đã đang dịch bệnh thế này, làm như thế mọi người hiếu kỳ tập trung đông thì làm sao? Xin hãy thương em tôi. Đã nhiều đau đớn lắm rồi". 

Còn diễn viên Gia Bảo thì cho rằng trong lúc nhà nước kêu gọi hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch thì nếu ai có lòng có thể ở nhà để cầu nguyện chứ không nhất thiết phải đến tận nơi để nhìn. “Nhân danh khán giả, các Youtuber đến lấy tin, lỡ đông đúc ầm ĩ, chính quyền đến làm việc rồi lại tội cho người đã khuất. Tệ hơn, lỡ người nào đang ủ bệnh đến thì hậu quả sẽ khôn lường", anh nói. 

Đáng tiếc, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những đám đông xấu xí tại các đám tang của nghệ sĩ.

Mỗi khi hay tin nghệ sĩ nào qua đời, khán giả lại kéo đến tận nơi, chen lấn, xô đẩy, giành hết các vị trí đẹp ở nơi tổ chức tang lễ với mục đích chụp ảnh, livestream... cảnh các ngôi sao vào viếng thăm đồng nghiệp lần cuối. Họ, thậm chí còn rút máy ảnh chụp hình tự sướng với phông nền là nghệ sĩ tại đám tang, không ngại ngần lao ra xin chụp ảnh cùng hay xin chữ ký. 

Bi hài hơn, ở đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, sau khi bị gia đình mời ra khỏi khu vực tác nghiệp, đội quân livestream đã đổ xô sang phỏng vấn… một người nước ngoài vô tình xuất hiện ở ngoài cổng thời điểm đó, chỉ vì người này có bộ râu trắng dài khoảng 20cm. Câu hỏi "Làm thế nào để nuôi được râu dài như ông" khiến những người đang livestream cười ồ giữa không khí đám tang đau buồn. Sau khi “tác nghiệp” xong, nhóm người này còn vui vẻ chụp hình lưu niệm cùng du khách nước ngoài ngay trước cửa đám tang.

Đám đông cười đùa, tạo dáng phản cảm trong đám tang Anh Vũ, được ca sĩ Pha Lê bức xúc chia sẻ lại trên facebook của mình.

Trong đám tang của Wanbi Tuấn Anh, những người tới viếng chàng ca sĩ xấu số còn bị người dân trong khu phố “chặt chém” tiền gửi xe không thương tiếc. Lúc tang gia bối rối, gia đình và người thân của nam ca sĩ cũng sững sờ và khó chịu khi một fan hâm mộ nữ lặng lẽ mang tới đặt trên quan tài anh một ... con mắt giả. Còn ở đám tang người mẫu Duy Nhân, chị gái anh đã ngất xỉu khi một người đàn ông lạ mặt xuất hiện trong đám tang để gây chuyện và kiếm cớ đòi tiền. 

Đau lòng trước sự ra đi của các nghệ sĩ, nên bạn bè, đồng nghiệp đến viếng để nói lời tiễn biệt nhưng rất nhiều nghệ sĩ bị đám đông vô duyên đẩy vào tình huống khó xử. 

Ca sĩ Pha Lê không giấu nổi sự phẫn nộ, bức xúc khi kể lại việc đi viếng Anh Vũ: “Lúc đặt bút viết vào sổ tang, thương anh quá, tôi không kìm được nước mắt, nhưng từ xa tôi lại nghe văng vẳng âm thanh: “Vâng thưa các bạn, đây là ca sĩ Pha Lê đang khóc”. Những lời vô cảm đó khiến tôi thấy sợ hãi! Thậm chí, ngay sau khi tôi thắp hương xong, có người còn kêu tôi đứng cạnh quan tài, làm mặt buồn để họ chụp hình”. 

Người mẫu Trương Thế Vinh cũng xót xa khi đến viếng Minh Thuận: “Nghệ sĩ đến lúc mất đi vẫn bị trở thành trò mua vui của thiên hạ. Tôi đến viếng mà cứ ngỡ mình đang đi xem anh hát. Dân tình tụ họp hò reo như tết. Âu cũng là cái nghiệp. Mà có vẻ người lớn còn đông hơn con nít. Sợ hãi cho cả một thế hệ!”.

Nghệ sĩ Hoài Linh, MC Đại Nghĩa cũng từng lúng túng, “cúi gằm mặt” khi nhận được những tràng vỗ tay đầy vô duyên của đám đông khi anh xuất hiện với gương mặt buồn bã tới viếng Duy Nhân hay Minh Thuận.

Khi nghệ sĩ Chánh Tín mất, NSND Bạch Tuyết, diễn viên Mai Huỳnh, danh hài Việt Hương đã đến viếng vào đêm muộn để tránh phiền phức với đám đông, tuy nhiên, vẫn có nhiều người chờ sẵn trước cửa, chỉ đợi các nghệ sĩ vừa từ trong tang lễ bước ra liền chạy lại xin chụp hình. Thậm chí, khi nghệ sĩ Mai Huỳnh từ chối và dắt xe máy ra để về thì có phụ nữ còn thẳng thừng leo lên xe để xin chụp hình bằng được. Quốc Thuận vừa đặt chân đến cũng bị đám người kéo áo đòi chụp hình chung, gương mặt ai cũng cười tươi rói như thể đi đám cưới. Chỉ khi nam diễn viên nén bực bội, rủ “vào chụp chung với cái hòm luôn không” thì mới được buông tha. 

Thiếu sự giáo dục về văn hoá ứng xử?

Đã thành lệ, hầu như trong mọi đám tang của những người nổi tiếng, gia đình luôn buộc phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đối phó với những rắc rối do đám đông hiếu kỳ đưa lại. Nghệ sĩ càng nổi tiếng thì số lượng người tò mò tìm tới đám tang càng nhiều.

Ngoài số ít người đến để bày tỏ sự tiếc thương, tình cảm yêu quý đối với thần tượng thì phần đông đến đám tang với tâm trạng hào hứng như đi… xem hội. Họ đứng ngồi lộn xộn, chỉ trỏ, gọi tên từng ngôi sao đến viếng, bàn tán xì xào chuyện họ ở ngoài đời xấu hay đẹp.

Nếu không trang điểm, để mặt mộc, lập tức nghệ sĩ sẽ bị mỉa mai: "Trong ảnh lung linh mà ở ngoài thấy ghê luôn!". Còn nếu có lỡ đến đám tang mà chưa kịp tẩy trang thì sẽ nhận ngay đống "gạch đá": “Đi đám ma mà lòe loẹt làm màu vậy hả!". Đáng buồn, trong đám đông vô duyên đó, không chỉ là những cô cậu tuổi teen, mà có cả những người lớn tuổi.

Đội quân livestream xuất hiện đông đúc ở các đám tang nghệ sĩ khiến dư luận sợ hãi, phẫn nộ.

Sau khi chen lấn ở đám tang nghệ sĩ để quay hình, chụp ảnh, nhiều người kỳ công lên mạng chắp ghép thành các clip để câu view. Nhiều người, còn tự bịa đặt những câu chuyện, kỷ niệm đầy mùi mẫn, cảm động giữa mình và người quá cố để thu hút sự quan tâm. Cuối mỗi clip luôn đi kèm câu nhắc “Các bạn thấy hay hãy đăng ký theo dõi kênh mình nhé!”.

Thạc sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý Trương Thị Thúy Hằng cho biết: "Tôi đã nhìn thấy trên mạng xã hội những hình ảnh có người cười hả hê vô cùng phản cảm, có những đám người gây cảnh hỗn loạn rất vô tâm. Hình như những người ấy thiếu sự giáo dục kỹ lưỡng về văn hóa ứng xử. Thiết nghĩ một bộ phận người vô cảm này, nên học lại về phép lịch sự. Chứ reo hò, đùa cợt, làm những hành động vô văn hóa... trong nỗi đau của gia chủ là không thể chấp nhận được".