Trước đây, sân bay là nơi khá dễ kiếm tiền với những lái xe như anh Hoà, tài xế một hãng taxi truyền thống ở TP HCM. Anh kể, trước đây mỗi ngày cũng được 5 chuyến đi sân bay, thu nhập mỗi chuyến có thể được 250.000 đồng thì nay chỉ còn dưới 150.000 đồng.
Thay vì chỉ lo cạnh tranh với mấy hãng taxi sân bay, giờ anh Hoà và các đồng nghiệp phải tìm cách "giành giật" thị phần với một rừng dịch vụ gọi xe, trong đó đáng gờm nhất là cánh lái xe Uber, Grab. "Khi ăn chia lại với hãng thì chẳng còn được mấy đồng. Chỉ khi trời mưa gió, giá Uber, Grab tăng gấp ba thì khách mới chuyển qua gọi taxi truyền thống", anh than thở.
Để cạnh tranh, nhiều tài xế taxi truyền thống cũng chủ động spam tin nhắn chào khách di chuyển sân bay với giá trọn gói khuyến mại. Anh Thanh (quận 10, TP HCM) cũng cho biết, ngày nào cũng nhận được “bom" tin nhắn từ các dịch vụ taxi với giá đi rẻ hơn nhiều so với trước đây.Nhưng cuộc đua ở tuyến di chuyển sân bay ngày một "nóng" khi các ứng dụng gọi xe như Uber, Grab vẫn tiếp tục đua về giá và có phần ưu thế hơn nhờ các chương trình khuyến mại.
Chị Hoa (quận 5) cho biết, đi taxi truyền thống từ đường Võ Văn Kiệt ra sân bay Tân Sơn Nhất có thể mất 200.000 đồng nhưng với Uber, Grab lại không đến 150.000 đồng. Thế nhưng, hơn một tháng gần đây, cũng chặng 12 km này, giá Uber, Grab không những "mềm" hơn lại có khuyến mại 25.000 đồng. Nhờ vậy, có chuyến chị mất chưa đến 100.000 đồng đi Tân Sơn Nhất.
Theo anh Nam, một tài xế chạy Uber ở TP HCM, sở dĩ giá đi sân bay tiếp tục rẻ là số xe ngày càng nhiều. Anh thừa nhận lý do nhiều tài xế Uber vẫn cố bám trụ vì chính sách thưởng hấp dẫn của công ty. Anh kể, được thưởng ít nhất nửa triệu đồng một tuần nếu chạy được đủ và vượt số cuốc quy định.
"Nếu một tháng chạy tốt thì tiền thưởng lên đến vài triệu đồng là bình thường. Nếu chăm chỉ một ngày doanh thu được khoảng 1,2 - 1,8 triệu đồng, trừ các chi phí đi thì cũng lãi vài trăm nghìn", anh Nam nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam cho rằng cách cạnh tranh về giá sẽ không bền, bởi nếu giảm dưới giá thành sẽ dễ bị lỗ và khó duy trì.
"Mục đích khi đưa ra mức giá dưới giá thành là triệt tiêu các hãng truyền thống trong nước. Lúc đó, khi họ đã 'một mình một chợ' thì người dùng sẽ chịu thiệt, bởi họ thích đưa ra mức giá nào cũng phải chấp nhận", ông Hỷ bình luận về cuộc đua giảm giá của Uber, Grab.
Riêng với Vinasun, ông Hỷ thừa nhận khu vực sân bay, lượng khách giảm 20-30% so với trước nhưng "không đáng lo ngại". Theo ông, công ty sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, còn giá thành thì sẽ tùy thuộc vào từng loại xe mà có giá cạnh tranh và hợp lý.
Theo thống kê hiện có khoảng 39 hãng taxi truyền thống phục vụ khách tại TP HCM, còn tại Hà Nội số lượng lên tới 50 hãng.