Một bất ngờ
Tờ Variety, Le Figaro và một số diễn đàn điện ảnh tại Pháp đều bày tỏ thái độ ngạc nhiên khi “The Pou au Feu” (tạm dịch: Hương vị) của đạo diễn Trần Anh Hùng, tên tiếng Pháp là “La Passion de Dodin Bouffant” (tạm dịch: Niềm đam mê của Dodin Bouffant) được chọn tranh giải phim nước ngoài hay nhất tại Oscar, thay vì phim thắng giải cao nhất Liên hoan Phim Cannes vừa qua “Anatomy of Fall” (tạm dịch: Giải phẫu một cú ngã) của đạo diễn Justine Triet. Trên trang chính của Le Figaro, tác giả Françoise Dargent còn thẳng thắn bày tỏ, lựa chọn này của điện ảnh Pháp không thuyết phục, cây viết sắc sảo này cũng ý nhị bày tỏ bất mãn bằng một tít bài có vẻ hài hước: “Âm thanh của nồi và chảo tại Oscar”, ám chỉ câu chuyện ẩm thực mà Trần Anh Hùng kể trong phim.
Có nhiều lý do cho sự ngạc nhiên này. “Anatomy of Fall” được Neon phát hành, đây là hãng phim nổi tiếng, từng phát hành “Ký sinh trùng” (Parasite) sau đó giành giải phim xuất sắc nhất tại Oscar năm 2019. Tác phẩm của Justine Triet hiện đang thắng lớn tại các rạp chiếu ở Pháp với doanh thu khoảng 8 triệu euro và được coi là phim đoạt giải Cành cọ vàng có doanh thu phòng vé cao nhất trong nhiều năm qua ở Pháp.
Trong khi “The Pou au Feu” chào sân có vẻ khiêm tốn hơn nhiều. Ngay trước đó, tại Liên hoan Phim Cannes năm 2023, mặc dù đã nhận 7 phút vỗ tay tán dương nhưng đứa con tinh thần của Trần Anh Hùng vẫn không vượt được “Anatomy of Fall” trong cuộc đua Cành cọ Vàng. Hiện tại lịch công chiếu của phim vẫn ấn định từ 8/11 tới.
“The Pot au Feu” chuyển thể từ tiểu thuyết Pháp “La vie et la passion de Dodin-Bouffant, Gourmet” (tạm dịch: Cuộc đời và niềm đam mê của Dodin-Bouffant, một người sành ăn). Phim lấy bối cảnh Pháp ở thế kỷ 19, kể câu chuyện của Dodin Bouffant (diễn viên Benoit Magimel) - một chuyên gia ẩm thực, một người sành ăn và Eugenie (diễn viên Juliette Binoche), phụ bếp riêng, đồng thời là người yêu của Dodin. Sau 20 năm quen biết, hai nhân vật đã cùng nhau sáng tạo ra những món ăn tuyệt đỉnh làm kinh ngạc cả những đầu bếp lừng lẫy. Tuy nhiên khi nữ đầu bếp ngỏ ý muốn kết hôn, Dodin chỉ hồi đáp bằng việc nấu ăn cho cô.
Người hâm mộ chờ đợi một kỳ tích nữa liên quan đến Việt Nam
Năm 1993 là dấu mốc gần nhất Pháp có phim thắng Oscar cho phim quốc tế hay nhất. Tác phẩm có tên “Indochine” (Đông Dương) của đạo diễn Régis Wargnier lấy bối cảnh tại Việt Nam trong thời kỳ là thuộc địa của Pháp với sự tham gia của ngôi sao gạo cội Catherine Deneuve và diễn viên gốc Việt Phạm Linh Đan.
Đây cũng là năm Việt Nam lần đầu có một phim tranh giải chính thức tại cùng hạng mục, “Mùi đu đủ xanh” của Trần Anh Hùng. Tất nhiên, bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn “Rừng Na Uy” ra về tay trắng tại Oscar, nhưng sau đó “Mùi đu đủ xanh” lại đoạt giải camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993, ngoài ra nó còn được trao giải César cho phim đầu tay hay nhất.
Tính đến thời điểm này thì đây là bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên và duy nhất từng nhận được đề cử Oscar. Thực ra, phim có vốn đầu tư và thực hiện ở Pháp, song được đạo diễn xin để Việt Nam làm quốc gia đại diện. Tất nhiên, việc “Mùi đu đủ xanh” nhận đề cử tham dự Oscar đã khiến khán giả Việt phập phồng một thời gian dài. Người yêu điện ảnh đều biết, phim được nhận đề cử rất khác so với phim “được cử đi tham dự Oscar” như trường hợp của “578, phát đạn của kẻ điên” hay “Bố già”... “Được đề cử” tức là phim đã được hội đồng nghệ thuật của giải thưởng chọn lựa. Hầu hết phim được đề cử so với phim được giải không chênh nhau nhiều về chất lượng.
Quay lại lựa chọn năm nay của điện ảnh Pháp, một số nhà bình luận cho rằng, tuy không quá ấn tượng so với một vài “bạn cùng trang lứa”, nhưng “The Pou au Feu” vẫn là một tác phẩm đáng chú ý. Tác giả Peter Bradshaw (The Guardian) ngay từ đầu đã cho rằng có một sự tinh tế và đầy quyến rũ ở bộ phim.
Cây bút Jordan Mintzer (Hollywood Reporter) thì ví bộ phim như một bức tranh tuyệt đẹp mà người ta có thể "bỏ vào bụng."
Còn trên tờ Times – UK, nhà báo Ed Potton viết: Máy quay ngưng lại ở đồ ăn còn nhiều hơn đầu bếp; âm thanh duy nhất là tiếng bong bóng sủi trên chảo đồng, tiếng gõ của giày trên sàn đá và tiếng hót của chim chóc ngoài vườn. Đây là khi chất Pháp được vặn lên mức 11.