Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: VEC ém thông tin để chỉ định thầu

TP - Một trong những nguồn lực để thu hồi vốn cho các dự án cao tốc của Tổng Cty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là các trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, toàn bộ các nguồn lực này được chỉ định thầu, rồi các nhà đầu tư kêu lỗ và VEC mất luôn lợi nhuận…
Trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Bảo An

Chỉ định thầu toàn bộ trạm dừng nghỉ

Hiện nay, các tuyến cao tốc của VEC được đầu tư lên đến gần 90.000 tỷ đồng (trong đó, chủ yếu là vay nợ các tổ chức tín dụng quốc tế và trái phiếu Chính phủ) nên yêu cầu số 1 của VEC là đảm bảo khả năng hoàn vốn dự án và trả nợ. Chính vì vậy, từ năm 2007, ngoài việc thu phí hoàn vốn, Chính phủ yêu cầu VEC phải tận dụng các nguồn thu khác của dự án để hoàn vốn.

Cụ thể, tại quyết định số 1202/QĐ-TTg (về việc thí điểm một số cơ chế chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư khai thác đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư) nêu: “Giao VEC khai thác các dịch vụ dọc tuyến do VEC làm chủ đầu tư liên quan đến khai thác tuyến (trạm xăng dầu, trạm dừng xe, quảng cáo, các công trình khác) theo quy định của pháp luật. Hiệu quả thu được từ khai thác dịch vụ này (nếu có) được tính theo hiệu quả đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, hiệu quả của các trạm dừng nghỉ, hạng mục có ưu thế nhất trong các loại dịch vụ nêu trên chưa có và đang có dấu hiệu thiếu minh bạch. Cụ thể, trong văn bản số 1603/VEC-KVS gửi Bộ GTVT, ông Trương Việt Đông, kiểm soát viên của VEC cho hay: Toàn bộ 8 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đều được VEC chỉ định thầu. “Không tổ chức công khai kêu gọi nhà đầu tư tham gia hợp tác đầu tư trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc (ví dụ đăng báo mời nhà đầu tư). Không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu”, văn bản nêu rõ. Cụ thể, ông Đông cho biết: “Tổng mức đầu tư cho các công việc cần xã hội hoá tại các trạm dừng nghỉ không được VEC phê duyệt để quản lý chi phí. Không có kế hoạch đấu thầu, dự toán giá gói thầu, hồ sơ yêu cầu và chấm thầu”.

Kiểm soát viên cho rằng, việc để nhà đầu tư tự lập phương án thiết kế, dự toán, tính toán phương án tài chính của dự án trình VEC xem xét, đàm phán ký hợp đồng “là ngược trình tự đầu tư xây dựng cơ bản”. Ông Đông cũng cảnh báo: “Tất cả các tồn tại nêu trên có thể dẫn tới tổng vốn đầu tư của tất cả các trạm dịch vụ trên tuyến cao tốc là chưa phù hợp, hiện nay vốn đầu tư đều dựa trên đề xuất của Nhà đầu tư nên có chi phí lớn, dẫn đến thời gian hoàn vốn bị kéo dài. VEC không có lợi nhuận, không tăng hiệu quả kinh tế của các dự án đường cao tốc”.

Không chỉ không thu được lợi nhuận, ông Đông còn cho rằng, việc này còn gây ra thất thoát khi các trạm dừng nghỉ đều được đầu tư san lấp hạ tầng, đường nối từ đường chính, đường địa phương vào trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, lát vỉa hè, hàng rào bằng nguồn vốn của VEC. “Tuy nhiên, trong phương án tài chính và Hợp đồng kinh tế giữa VEC và nhà đầu tư chưa tính toán phân chia lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh trạm dịch vụ cho VEC. Điều này là không hợp lý”, ông Đông chỉ rõ.

Đặc biệt, tại dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, trạm dừng nghỉ Km41+100 được giao cho Cty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng (sân sau của Đinh Ngọc Hệ - tức Út “trọc”) đầu tư với chi phí được tính lên đến 225 tỷ đồng. Ngoài ra, trên cao tốc TPHCM - Trung Lương (một dự án khác do Bộ GTVT làm đầu tư nhưng không do VEC thực hiện) cũng có một trạm dừng nghỉ do Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng của “Út trọc” đầu tư.

Cũng trong báo cáo này, ông Đông cho rằng, ngoài các trạm dừng nghỉ, dịch vụ quảng cáo trên các tuyến cao tốc cũng không được VEC tiến hành công khai mời gọi chọn nhà đầu tư minh bạch, công khai, không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu.

VEC than khó kêu gọi đầu tư, bỏ trạm của “Út trọc”

Liên quan đến nội dung này, trong ngày 19/10, VEC đã chuyển cho Tiền Phong một số tài liệu lý giải vấn đề này. Theo đó, VEC thừa nhận hiện nay, hình thức xã hội hóa các trạm thu phí “chưa mang lại lợi nhuận” cho VEC, thậm chí một số nhà đầu tư phải bù lỗ. Tuy nhiên, đổi lại, hệ thống cao tốc nhanh chóng có hệ thống trạm dựng nghỉ để đảm bảo cho người tham gia giao thông sử dụng, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Bảo An

Về việc chọn nhà đầu tư, trong văn bản báo cáo Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC phụ trách mảng khai thác dịch vụ trên các tuyến cao tốc lý giải: Việc kêu gọi các nhà đầu tư khó khăn vì nhiều địa bàn thưa dân cư, lưu lượng thấp, trong khi vốn đầu tư lớn.

Trả lời Tiền Phong vì sao không công khai đăng tải thông tin chọn nhà đầu tư, ông Nhi cho biết thêm: Do khó thu hút đầu tư nên VEC thông báo cho UBND các tỉnh có tuyến cao tốc đi qua để được giới thiệu các nhà đầu tư địa phương. Nói về một số trạm dừng nghỉ tại các vị trí kinh doanh tốt, lưu lượng cao sao không tổ chức đầu thầu? ông Nhi cho biết, do lãnh đạo Bộ GTVT thời điểm triển khai trạm dừng nghỉ đó đề nghị.

Cũng trong báo cáo gửi báo Tiền Phong, VEC cho hay, trạm thu phí do công ty sân sau của “Út trọc” đầu tư trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã được Hội đồng thành viên của VEC ra nghị quyết chấm dứt hợp đồng từ tháng 1/2018.       

Danh sách 8 trạm dừng nghỉ của VEC không qua đấu thầu

I. Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai

1. Trạm dừng nghỉ Km22+900 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 113 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tạm xác định là 21 năm. Ðơn vị đầu tư là Cty TNHH Phước An.

2. Trạm dừng nghỉ Km57+500 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 19 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tạm xác định là 28 năm. Ðơn vị đầu tư là Cty TNHH Tuấn Tú - Phú Thọ.

3. Trạm dừng nghỉ Km117+500 giá trị hợp đồng là 39,5 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 18 năm. Ðơn vị đầu tư là Cty CP Phú Thịnh - Phú Thọ.

4. Trạm dừng nghỉ Km171+500 bên trái tuyến, đơn vị đầu tư là Cty Vietbus.

5. Trạm dừng nghỉ Km171+500 bên phải tuyến, đơn vị đầu tư: Cty VECS, công ty con của VEC.

6. Trạm dừng nghỉ Km236+940 giá trị hợp đồng khoảng 147,4 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn chưa xác định (tính đến thời điểm tháng 5/2015). Ðơn vị đầu tư: Cty TNHH đầu tư dịch vụ Long Hải.

II. Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

1. Trạm dừng nghỉ Km227 giá trị hợp đồng giai đoạn I là 62 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn chưa xác định (tính đến thời điểm tháng 5/2015); Cty Cổ phần đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh đầu tư.

III. Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

1. Trạm dừng nghỉ Km41+100, giá trị trúng thầu là 225 tỷ đồng, đơn vị đầu tư Cty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng (sân sau của Ðinh Ngọc Hệ - tức Út “trọc”)