Trải nghiệm và trưởng thành

TP - Sau 1 năm tham gia Niên học ở nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, các học sinh trung học Mỹ cho biết đã thực sự trưởng thành ở vùng đất mới nhờ được trải nghiệm thực tế.

Niên học của học sinh Mỹ tại VN:

Trải nghiệm và trưởng thành

Suốt niên học, học sinh Mỹ được trải nghiệm thực tế bằng những chuyến đi đến nhiều vùng đất như Sapa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Đà Nẵng, Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Tây Nguyên, Cà Mau... Ở mỗi nơi, các em đều được học cách bắt chuyện, làm quen với người dân địa phương bằng tiếng Việt. “Điều các em băn khoăn đầu tiên là vấn đề môi trường như địa phương này xây đập ngăn mặn chưa hiệu quả, hệ thống xử lý rác thải chưa tốt…”, G.S Vũ Đức Vượng, Giám đốc chương trình Niên học ở nước ngoài tại Việt Nam, nói.

Sonya Schoenberger, 18 tuổi, chọn chủ đề Hà Nội có thể cải tạo sông Tô Lịch trong xanh hơn tại buổi tổng kết chương trình. Sonya nói: “Tô Lịch sẽ là dòng sông đẹp và có thể kinh doanh du lịch. Du khách có thể chèo thuyền đi từ đầu đến cuối thành phố để tham quan. Tuy nhiên, để làm được như thế, Hà Nội phải có giải pháp cải tạo”.

Trong thời gian ngắn, Sonya đã tự mày mò nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để giúp sông Tô Lịch đẹp hơn. Em cho rằng, nguyên nhân nằm ở hệ thống xử lý rác thải chưa tốt nên người dân, nhà máy vẫn vô tư làm sông bị ô nhiễm. “Hà Nội nên chú trọng hệ thống xử lý rác thải trước khi đổ ra con sông đã đi vào lịch sử như sông Tô Lịch”, Sonya kết thúc bài thuyết trình.

Sonya đang thuyết trình.

Paul F. Dillon, SN 1994, là học sinh giỏi tiếng Việt nhất trong nhóm. Paul trò chuyện với người Việt một cách thoải mái và biết cách pha trò, hài hước như người Việt. Paul biết dùng cả thành ngữ trong lúc nói chuyện như: “Nếu lấy vợ là người Việt Nam, em sẽ chọn cô gái tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Paul chia sẻ, gia đình Việt nơi em ở suốt 1 năm qua đã trở thành gia đình thực sự của em. Họ vừa tôn trọng sự riêng tư vừa giúp đỡ em học tiếng Việt, hoà nhập với phong tục tập quán địa phương. “Nay mình đã biết trả giá khi đi chợ, biết sang đường thế nào cho khéo, biết tên gọi, mùi vị các món ăn. Buổi tối mình thường ăn cơm, nghe thời sự trên truyền hình Việt Nam với gia đình, cùng về quê với bố mẹ Việt. Mình được bà ngoại Việt Nam rất yêu chiều nữa”, Paul kể.

Cô giáo dạy tiếng Việt Nguyễn Hoàng Lan kể, những ngày đầu các em lạ lẫm, cái gì cũng hỏi, cũng e ngại, nhưng chỉ thời gian ngắn sau đã sống như người Việt khi biết đối đáp với người bán hàng kiểu như “Ối giời ơi, đắt thế, em là học sinh, em không có nhiều tiền”.

Bài học đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam là cách đi bộ qua đường an toàn. Thầy cô giáo Việt dẫn nhóm bạn trẻ Mỹ đi ngang qua các con phố đông đúc nhất Hà Nội để các em làm quen. Từ chỗ sợ hãi khi phải qua đường, nay các em có thể đạp xe đi khắp Hà Nội và khám phá gần hết các món ăn, biết mọi ngõ ngách trong thành phố.

Sau thời gian trải nghiệm cùng học trò, GS Vũ Đức Vượng cho rằng: “Thanh niên hai nước có lối sống, tư duy khác nhau. Giới trẻ Mỹ tự lập; còn thanh niên Việt được bố mẹ, thầy cô hướng dẫn, bao bọc nhiều”.

Tháng 6- 2011, chương trình Niên học ở nước ngoài đầu tiên dành cho 13 học sinh Mỹ 16 - 18 tuổi tại Việt Nam chính thức tổng kết. Hầu hết học sinh Mỹ đều tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt, hiểu biết nhiều mặt về văn hoá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Nam nhờ được sống trong các gia đình Việt, được hòa mình vào mọi mặt của cuộc sống.

Trưởng thành và yêu mến Việt Nam hơn là điều mà hầu hết bạn trẻ Mỹ tham gia chương trình chia sẻ.

Niên học ở nước ngoài dành cho học sinh Mỹ đã được triển khai tại nhiều nước để giúp họ tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm thực tế và xem đó là chương trình đánh dấu sự trưởng thành của một học sinh. Được trải nghiệm thực tế ở đất nước khác, nhưng các học sinh Mỹ vẫn được đảm bảo chương trình học của năm và khi về nước được chuyển lên một lớp. “Chương trình thu hút học sinh ở hơn 100 trường THPT ở Mỹ tham gia. Phụ huynh sẵn sàng cho con đến một quốc gia khác để học tập, trải nghiệm. Đó là một trong những phương pháp giáo dục mềm dẻo của Mỹ”, GS Vượng nói.

Theo Báo giấy