Trải nghiệm làng nghề sơn mài độc nhất vô nhị

TP - Cũng đẹp như bao làng quê ven đô khác nhưng cảnh vật Hạ Thái không có gì quá đặc sắc. Vậy nhưng đều đều vẫn có những đoàn du khách Pháp về thăm làng. Họ không thăm đình, chùa mà toàn chui vào nhà dân, rồi dừng chân tại xưởng vẽ của một họa sĩ để tự tay làm đồ sơn mài. Phải, họ cất công đến đây chính vì nghề sơn mài của Hạ Thái.

Trong khi Charline vẫn đang dán bạc thì Gregory đã tới công đoạn cuối. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

Sáu năm trước, một ông khách Pháp đến Hạ Thái ghé xưởng vẽ của họa sĩ Trần Công Dũng, đem theo cậu con trai vừa tốt nghiệp phổ thông. Mới năm ngoái đây, họa sĩ nhận được cuộc điện thoại. Một giọng lơ lớ bằng tiếng Việt ngỏ ý muốn cùng anh mở tour làng nghề. Đó chính là cậu bé năm xưa, nay thiết kế tour cho Amica - công ty du lịch mỗi năm đem khoảng 2 vạn khách Pháp đến Việt Nam. “Trước đấy tôi cũng hợp tác làm tour với công ty khác nhưng không thành công”, anh Dũng kể. “Hai anh em bàn bạc nhau, phải nghĩ ra cái gì để hút khách. Người ta phải được làm và cầm sản phẩm về”.

Có đến 16 công đoạn để ra được một sản phẩm sơn mài mỹ nghệ. Ở Hạ Thái, mỗi hộ làm sơn mài thường đảm nhiệm một công đoạn. Người chuyên làm vóc, người chuyên tạo hình sản phẩm, lại có cả người chuyên đóng bản lề hay chuyên bê đồ từ nhà này sang nhà khác. Du khách sẽ qua từng nhà tận mắt chứng kiến các công đoạn, rồi trở về xưởng của họa sĩ để thực hành. Tour gói gọn trong chừng hai tiếng. Anh Dũng cho biết mỗi năm nhà anh đón cũng được chục đoàn khách, nhưng cũng có khi 2-3 tour cùng đến một ngày.

Giữa tháng 9, tôi đi cùng đoàn chỉ gồm hai khách Pháp và hai hướng dẫn. Một người hướng dẫn chuyên môn là họa sĩ, người kia của công ty kiêm phiên dịch. Có đi mới biết thêm nhiều điều lạ. Như là sơn mài không chỉ được làm trên cốt gỗ, tre, cói, nhựa, composit, gốm mà còn làm trên giấy. Chính xác là bột giấy được ép cường độ cao thành một thứ gỗ nhẹ. Dùng để làm các loại hộp hay khay uống trà… Các phôi giấy đạt độ chính xác cao nhưng lại làm trong xưởng hết sức thủ công, bụi bay mù mịt. Còn mùi sơn thì cứ bảng lảng khắp làng.

Xưởng vẽ của họa sĩ mở ra một không gian hoàn toàn khác, chan hòa ánh sáng và màu sắc. Du khách chọn lấy một mẫu trong các phác thảo có sẵn. Trâu bò lợn gà ngựa rùa cua cá… đủ cả. Du khách nữ chọn hình con rồng, trong khi bạn trai cô chọn hình hoa sen. Tôi bị thu hút bởi hình con tắc kè đang thè lưỡi bắt mồi. Chúng tôi can phác thảo, rồi dùng giấy than trắng in lên tấm vóc hình tròn, đường kính 18cm. Tiếp theo dùng bút lông quệt sơn keo màu cánh gián kín vùng bên trong đường vẽ. Phải tô đều tay không chờm ra khỏi đường vẽ thì hình sau này mới sắc nét. Hai du khách ngồi tô rất tỉ mẩn. Xong xuôi đặt bạc lá lên trên, dùng đầu ngón tay miết xuống vóc. Chỗ nào có sơn thì bạc sẽ được giữ lại. Tiếp đó dùng miếng mút xoa nhẹ để phần bạc không dính rơi ra. Những vụn bạc này được thu hồi bằng máy hút bụi để tái sử dụng. Du khách thích dát vàng cũng được, nếu trả thêm tiền. Độ nửa tiếng là xong một tấm (tạm gọi là tranh) sơn mài tông đen trắng.

Hỏi sản phẩm thọ được bao lâu, họa sĩ tỉnh queo: “Cái này bảo hành chỉ được 60 năm (cười). Tranh thường treo lên tường chứ ai đi cào vào đâu mà sợ hỏng. Trông đơn giản nhưng không phải ai cũng dán được thế này. Kể cả họa sĩ học trường ĐH Mỹ thuật ra, vì đâu được hướng dẫn quy trình tuần tự”. Theo anh, các họa sĩ thường vẽ thẳng vào vóc, khỏi cần phác thảo, can, in lằng nhằng.

Họa sĩ Trần Công Dũng và hai du khách đến trải nghiệm tại xưởng vẽ của anh.

Mỗi năm đến Hạ Thái 4-5 lần, người dẫn tour Đào Ngọc Trực cho hay: “Nghe nói trong Sài Gòn có mấy làng sơn mài. Nhưng đây là nơi duy nhất du khách có thể trải nghiệm. Như hai khách này từng xem làm sơn mài ở Malaysia, Myanmar, nhưng hôm nay mới được trực tiếp làm”.

Theo Trực, khi được đề xuất thăm Hạ Thái nói riêng và các làng nghề nói chung, 90% khách đồng ý. Tuy nhiên công ty cũng không quá mặn mà với tour này vì tổ chức khá mất thời gian, lại phát sinh chi phí. Ví dụ thăm Bát Tràng, khách chỉ đi loanh quanh rồi về, công ty không phải chi thêm phí cho khách trải nghiệm. Trong vai trò du khách, tôi cũng nhiều lần bị đưa đi thăm các show-room trong khi mình không hề có nhu cầu mua sắm. Khách đến Hạ Thái hoàn toàn không bị rơi vào tình cảnh khó chịu đó.

Kết thúc tour, chủ khách quây quần bên ấm trà mạn. Mọi người ngồi trên những đôn cổ “độc mộc” nghe nói trị giá ngàn đô được chủ nhân mua từ miền núi. Trên đôn có những hình khắc bằng dao tỉ mỉ cảnh sinh hoạt, cây cối, muông thú…

Cặp du khách Pháp cho biết họ là Gregory và Charline, đều là hướng dẫn viên tại lâu đài Châteu de Chambord - kiến trúc Phục Hưng nổi tiếng của Pháp. Theo họ, Pháp cũng có làng nghề đủ loại nhưng ít nhiều được công nghiệp hóa chứ không thuần làm bằng tay như ở ta. Du khách đến những chỗ đó cũng không không được trải nghiệm. Lý do liên quan đến việc giữ gìn bí quyết gia truyền(!). Gregory nhận xét: “Trải nghiệm này rất hay. Nhìn tưởng đơn giản nhưng tự tay làm mới thấy khó. Không hiểu dát vỏ trứng còn khó thế nào. Qua đây, tôi cảm thông hơn với nỗi vất vả của người làm sơn mài”.

Anh Dũng kể, trước đây, dân làng mỗi lần xuất đi hàng container. Do một số người trong làng mạnh dạn đi hội chợ quốc tế móc nối hợp đồng cho bà con làm. Sau các chương trình hội chợ giảm dần, đi chỉ lỗ. Một lý do nữa anh chỉ ra: “Phần lớn người làm sơn mài ở làng thuần túy là nông dân, nên đôi khi không tâm huyết trong việc duy trì xưởng sơn mài. Có vấn đề gì biến động, họ bỏ luôn, không thương tiếc gì”. Hiện anh Dũng có nhà kho rộng hàng trăm m2 chuyên dùng để đựng những đồ sơn mài dang dở mà anh thu mua từ các xưởng sập tiệm. Trong hoàn cảnh đó, anh cũng mong có nhiều tour du lịch về làng để có thể san sẻ cho các nhà khác cùng tổ chức.

“Nghe nói trong Sài Gòn có mấy làng sơn mài. Nhưng đây là nơi duy nhất du khách có thể trải nghiệm. Như hai khách này từng xem làm sơn mài ở Malaysia, Myanmar, nhưng hôm nay mới được trực tiếp làm”.

Người dẫn tour Đào Ngọc Trực

Du khách mới chỉ đi quanh 1 trong 3 cụm của làng nghề Hạ Thái với tổng số khoảng 500 xưởng sơn mài. Theo anh Dũng, đấy là làng nghề đã teo đi nhiều so với cách đây 10-20 năm. Trước, trung bình mỗi hộ ít ra phải nuôi 4-5 thợ ngoài. Số thợ ấy gần như đi hết, người làng làm sơn mài cũng vợi chừng 1/3. Có những đại gia mở phòng trưng bày, nhà xưởng hàng nghìn mét để rồi bỏ không hoặc cho thuê làm đồ nội thất.