Nhiều hình ảnh phản cảm
Không dễ tìm kiếm được một cuối tuần yên ả, yên bình thật sự nơi phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, bởi không gian tự nhiên quanh hồ thường xuyên bị các gian hàng giới thiệu sản phẩm che khuất. Vừa qua, nhiều gian hàng bán đồ giảm giá như chợ bình dân khiến nhiều người bức xúc.
Người dân cũng bị làm phiền bởi những sự kiện âm nhạc lớn, thu hút đông đảo người hâm mộ. Anh Nguyễn Văn Thành (quận Hoàn Kiếm) thường xuyên đi dạo ở khu vực hồ Hoàn Kiếm than: “Cuối tuần có quá nhiều gian hàng ở đây, phải chiếm tới hơn 1/3 khu vực ven hồ Hoàn Kiếm. Quang cảnh ngắm hồ cũng không còn, rất bí bách”.
Chị Trần Thị Vân (quận Hoàng Mai) cho biết, dù rất yêu thích khung cảnh hồ Hoàn Kiếm, chị cũng không chọn đến đây vào dịp cuối tuần bởi sự xô bồ, nhộn nhạo. “Các hàng quán tràn tận xuống lòng đường, trẻ em lái ô tô điện, nếu không cẩn thận rất dễ bị đụng vào. Nhiều hôm các gian hàng giới thiệu sản phẩm mỗi gian mở một loại nhạc, rất đau đầu”, chị Trần Thị Vân nêu.
Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 505/TB-BCSĐ ngày 15/12, thông báo kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về chủ trương quản lý hoạt động, sự kiện tổ chức tại các không gian phố đi bộ trên địa bàn.
Lãnh đạo thành phố thống nhất về việc sửa đổi Quy chế quản lý hoạt động tại không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm theo nguyên tắc tạo sự đồng bộ, hài hòa giữa các không gian phố đi bộ, không tập trung tổ chức hoạt động, sự kiện vào một địa điểm, đảm bảo phù hợp với vị thế, chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa quan trọng của trung ương, thành phố.
Trong thời gian nghiên cứu sửa đổi Quy chế, khu vực này chỉ là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa tiêu biểu. Đồng thời, Hà Nội không chấp thuận tổ chức các sự kiện tại khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ cho đến phố Trần Nguyên Hãn, không tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao, các sự kiện có tính chất quảng bá, quảng cáo, thương mại, ẩm thực.
Ban cán sự Đảng UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị liên quan đề xuất việc chấp thuận chủ trương tổ chức các sự kiện tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đề xuất, báo cáo UBND thành phố.
Không phải sự kiện nào cũng đem ra Hồ Gươm
Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội cho rằng, việc dừng tổ chức sự kiện thương mại quanh Hồ Gươm là điều nên làm. Bởi những hoạt động này gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực Hồ Gươm.
“Với không gian đậm tính lịch sử như Hồ Gươm, tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài vua Lê… lãnh đạo thành phố nên cân nhắc tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, chính trị, ngoại giao. Mọi hoạt động cần có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ”, ông Trương Minh Tiến bày tỏ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm là phố đi bộ đầu tiên tại Việt Nam nên không tránh được một vài bất cập.
Vì vậy, để phố đi bộ Hoàn Kiếm có thể phát huy, đạt nhiều mục đích từ văn hóa, kinh tế cho đến chính trị, các nhà quản lý cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quản lý để bao quát hết được bất cập của hoạt động phố đi bộ. Ông khẳng định, trong thời gian vừa qua có một số hiện tượng không phù hợp, gây nên dư luận phản đối, nhất là các hoạt động kinh doanh lấn chiếm để ảnh hưởng đến mỹ quan của khu vực phố đi bộ.
“Để khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm thực sự là không gian dành cho người đi bộ, tôn vinh những giá trị văn hóa Thủ đô cũng như cả nước, tôi cho rằng cần sửa quy chế để việc tổ chức các hoạt động ở đây trở nên quy củ và có tác động tích cực với sự phát triển văn hóa Thủ đô”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Để lấy lại không gian ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội cần một quy hoạch, kế hoạch cụ thể dành riêng cho các không gian ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
“Khu vực không gian nào thì được tổ chức các hoạt động gì, khu vực không gian nào thì không được tổ chức các hoạt động gì. Trên cơ sở những tiêu chí đã có, các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng phê duyệt hoặc không phê duyệt đề nghị tổ chức sự kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở đây”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Thực tế, Hà Nội không thiếu các tuyến phố đi bộ song chưa thu hút được người dân. Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc tổ chức thiếu kiểm soát, coi nhẹ yếu tố văn hóa. Ông Trương Minh Tiến đề xuất, phân chia các sự kiện văn hóa, giải trí theo từng khu vực, tuyến phố để tạo sự hấp dẫn, bài bản.
“Hà Nội không thiếu các không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân, song cần tổ chức lại chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn. Quan trọng nhất, tính văn hóa luôn phải được đề cao”, ông Tiến nêu.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất, ngoài khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội còn rất nhiều địa điểm để tổ chức các sự kiện, lễ hội. “Thực tế, không nhất thiết hoạt động nào cũng phải đưa ra Hồ Gươm. Chúng ta cần nhận thức lại về việc này”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Ngày 1/11, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bố trí, sắp xếp các hoạt động trên không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, hạn chế các hoạt động có tổ chức gian hàng không phù hợp tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề nghị không tổ chức các giải chạy vào ban đêm để không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong khu vực. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được đề nghị hạn chế việc cấp phép các sự kiện có tổ chức biểu diễn âm nhạc với công suất âm thanh lớn tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.