Ngày 7/6, Phòng CSGT (PC08) Công an TPHCM cho biết, từ ngày 16/12/2023 đến nay, lực lượng CSGT trên toàn thành phố đã lập biên bản, xử phạt 537 trường hợp người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn.
Tính riêng tại Trạm CSGT Tân Túc, từ đầu năm 2024 đến nay, các tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hơn 2.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, trong đó có 21 trường hợp vi phạm là người điều khiển xe đạp, xe đạp điện.
Còn tại Đội CSGT Bình Triệu, từ ngày 1/1 đến ngày 12/5, đơn vị đã ra quân kiểm tra, lập biên bản xử lý 2.871 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn.
PC08 cho biết, khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Do đó, các trường hợp điều khiển xe đạp kể cả xe đạp máy, xe đạp điện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều đã vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở.
Phạt tiền từ 300 - 400 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Tất cả các trường hợp đều bị tạm giữ phương tiện không quá 7 ngày.
Theo PC08, rượu, bia là chất kích thích gây ra nhiều tác động đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Do đó, người dân cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, đã uống rượu bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện, kể cả xe đạp, xe đạp điện.