Theo Sở Du lịch TPHCM, năm 2024, thành phố đã triển khai xây dựng Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030 và triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh với các kế hoạch cụ thể về nâng cao nhận thức, xây dựng hạ tầng, và ứng dụng công nghệ thông tin. Thành phố cũng đã phát hành Cẩm nang giới thiệu 42 sản phẩm du lịch đặc trưng tiêu biểu trên địa bàn, tổ chức các chương trình khảo sát và phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch đêm, du lịch đường thủy, y tế, du lịch nông thôn… Nhiều sản phẩm đã trở nên quen thuộc với du khách, trở thành thương hiệu riêng cho du lịch thành phố như tua (tour) Biệt động Sài Gòn, tua tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, tua tham quan di tích toà nhà trụ sở HĐND - UBND TPHCM, tua Rừng Sác - Cần Giờ… TPHCM cũng đã hoàn thiện nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu như Lễ hội Sông nước; ra mắt điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2; Chương trình trải nghiệm “Trăng chiến khu” Địa đạo Củ Chi….
Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình kích cầu du lịch, phối hợp với các đơn vị xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn. Nhiều chương trình kích cầu như giảm giá phòng nghỉ cho khách bay đêm, giảm giá tua cho khách tham gia các hội chợ du lịch, tặng voucher cho khách mua tua số lượng lớn hay tua trọn gói… đã thu hút đông đảo du khách đến thăm TPHCM.
Bà Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho rằng, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm đặc trưng để du khách đến TPHCM được khám phá một đô thị phương Đông đang trên con đường hiện đại hóa và hội nhập nhưng vẫn giữ được những bản sắc riêng.
Tăng cường liên kết vùng
Theo Sở Du lịch TPHCM, năm 2024, công tác xúc tiến và quảng bá du lịch TPHCM được đẩy mạnh thông qua việc cử đại diện tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế tại Mỹ, Đức, Nhật Bản, Singapore, Lào… cũng như thông qua các sự kiện văn hóa lớn tại TPHCM như Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Áo dài, Hội chợ Du lịch Quốc tế (ITE-HCMC)… Đặc biệt, với chủ đề “20 năm hành trình sống động” gắn với thông điệp chương trình “TPHCM Chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”, thành phố đã tổ chức thành công Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 20, gây ấn tượng mạnh với nhiều doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước.
Năm 2024, TPHCM tăng cường hợp tác và phát triển du lịch liên vùng, cụ thể là liên kết với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ, Hà Nội và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Bắc. Các diễn đàn, hội nghị xúc tiến du lịch được tổ chức nhằm thúc đẩy liên kết và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố và các vùng liên kết, tạo điều kiện nâng cao vị thế của TPHCM như là một điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện.
Đánh giá của Tổng cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, thời gian qua, hoạt động liên kết hợp tác du lịch giữa các tỉnh thành với TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật nhất là sự phát triển của các sản phẩm du lịch liên kết giữa các công ty du lịch - lữ hành các địa phương. Nhiều tuyến du lịch mới đa dạng, phong phú đã thu hút đông đảo du khách, khai thác được nhiều điểm đến mới tạo đà phát triển không chỉ cho các địa phương làm du lịch mà còn làm đa dạng thêm cho các sản phẩm du lịch tại TPHCM.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thành tại TPHCM đã mang lại những kết quả cụ thể về thu hút khách, quảng bá thương hiệu du lịch chung cho vùng và phát huy được vai trò cửa ngõ của TPHCM.
Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, trong 5 năm triển khai hoạt động liên kết với 13 tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ, các doanh nghiệp lữ hành lớn tại TPHCM đã đưa khoảng 7,5 triệu lượt khách du lịch đến với Đồng bằng sông Cửu Long để trải nghiệm nét đặc trưng của văn hóa sông nước, sinh thái miệt vườn cùng ẩm thực độc đáo của vùng đất Tây Nam bộ. Hoạt động liên kết này cũng thu hút khoảng 2,5 triệu lượt du khách từ các tỉnh miền Tây đến tham quan, mua sắm và vui chơi tại TPHCM. Năm 2024, vùng Đông Nam bộ đón hơn 84 triệu lượt du khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ và đạt doanh thu hơn 245.500 tỷ đồng, tăng hơn 18%.