Rào cản lớn nhất phát triển du lịch đường sông TPHCM - miền Tây

TPO - Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay du lịch đường sông giữa TPHCM và các tỉnh, thành miền Tây lại phát triển chậm, do hạ tầng giao thông đường thủy còn kém. Đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông liên vùng.

Đánh giá trên được đưa ra tại Toạ đàm định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường thuỷ TPHCM - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra sáng 30/11, tại TP. Cần Thơ.

Chưa phát huy lợi thế sông nước

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, mỗi con sông là tài nguyên quý cho phát triển du lịch đường sông. Phát triển du lịch đường sông cũng thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thực Hiện cũng nhìn nhận, vùng ĐBSCL và TPHCM có tài nguyên du lịch đường sông phong phú, đa dạng, nhưng sản phẩm du lịch đường sông liên tỉnh còn mờ nhạt, chủ yếu nội tỉnh. “Việc phát triển du lịch đường sông cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc đầu tư hạ tầng bến bãi, cảnh quan dịch vụ ven sông. Từ đó thu hút doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến sông, sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn”, ông Hiện nói.

Rào cản lớn nhất phát triển du lịch đường sông TPHCM - miền Tây ảnh 1

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hòa Hội.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cũng nhận định, nhiều năm qua, để hút khách, Thành phố và các tỉnh ĐBSCL đã liên kết, hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm du lịch kết nối vùng. Tuy nhiên, các tuyến du lịch chủ yếu bằng đường bộ, chưa phát huy được lợi thế sông nước của cả vùng.

Hạ tầng giao thông đường thủy còn kém

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ dẫn thực tế, những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông. Có thể kể ra du lịch trên dòng sông Vàm Cỏ (Long An), sông Tiền (Tiền Giang), sông Cổ Chiên, sông Măng Thít (Vĩnh Long), sông Hàm Luông (Bến Tre), sông Hậu (An Giang - Cần Thơ), sông Sài Gòn - Soài Rạp - Nhà Bè (TPHCM)... Riêng TPHCM đang khai thác gần 60 tuyến du lịch đường thủy.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, du lịch đường sông giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác, số tour khai thác cũng rất ít khách, thậm chí có thể phải dừng vì không hiệu quả.

Rào cản lớn nhất phát triển du lịch đường sông TPHCM - miền Tây ảnh 2

Khách quốc tế du ngoạn trên sông. Ảnh: Hòa Hội.

Tình trạng trên, theo ông Tuấn, do hạ tầng giao thông đường thủy còn kém. Đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông của vùng. Nhiều tuyến đường sông chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho việc di chuyển và khai thác du lịch.

“Khu vực ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhất cả nước, nhưng nhiều đoạn sông vẫn chưa được nạo vét, dẫn đến tình trạng bồi lắng, độ tĩnh không cầu một số tuyến sông còn thấp ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch, đặc biệt là các tàu lưu trú trên sông”, ông Tuấn chỉ ra. Cùng với đó, việc thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan trên bờ chưa được đầu tư, thiếu điểm tham quan... làm cho việc khai thác du lịch đường sông gặp nhiều bất lợi.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương lại có chiến lược phát triển riêng, việc thiếu sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn.

“Các tour du lịch hiện nay thường chỉ dừng lại ở việc khám phá một địa phương, mà chưa khai thác hết tiềm năng của cả một vùng rộng lớn. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của du lịch đường sông đối với những du khách mong muốn trải nghiệm đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên”, ông Tuấn nói thêm.

Rào cản lớn nhất phát triển du lịch đường sông TPHCM - miền Tây ảnh 3

Người dân làm du lịch cộng đồng cồn Hô (Trà Vinh) niềm nở đón khách du lịch. Ảnh: Hòa Hội.

Trong những năm tới, phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái được định hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Để có thể khai thác tốt hơn du lịch đường sông giữa TPHCM và vùng ĐBSCL, lãnh đạo ngành du lịch Cần Thơ cho rằng, cần tập trung đầu tư hạ tầng và quy hoạch đồng bộ. Trong đó, nạo vét, mở rộng các tuyến sông cho các hoạt động du lịch. Cần xây dựng các bến tàu, cầu cảng kèm dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, khách sạn, điểm đến, trải nghiệm văn hóa ven sông...

MỚI - NÓNG
Quốc hội đồng ý tái khởi động điện hạt nhân, tăng vốn Vietnam Airlines
Quốc hội đồng ý tái khởi động điện hạt nhân, tăng vốn Vietnam Airlines
TPO - Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Quốc hội cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.