Theo ông Hưng, bên cạnh các dự án giao thông đã bàn giao cho các đơn vị quản lý nhà nước, vẫn còn một số dự án chưa thực hiện việc này. Sở GTVT thực hiện duy tu, bảo trì theo hai hình thức: duy tu, sửa chữa thường xuyên theo kế hoạch hằng năm và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để sửa chữa tương tự các dự án đầu tư xây dựng kỹ thuật.
“Quá trình thực hiện công tác này những năm qua từng bước được quan tâm, nâng chất lượng và đem lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, ở một số khu vực hoặc trong một số thời điểm, việc duy tu, bảo trì chưa được đảm bảo, có tình trạng một số đường sá chưa được quan tâm bảo trì, đặc biệt là khi chủ đầu tư đã giải thể nên không còn quản lý và gây bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, kinh phí đầu tư chỉ đáp ứng một mức độ nhất định so với định ngạch nên có một số tuyến đường cần thiết phải duy tu, bảo trì gặp phải khó khăn”, ông Hưng cho hay.
Liên quan đến công tác đảm bảo hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Đặng Phú Thành nhìn nhận trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông, nhằm đáp ứng tốc độ phát triển đô thị, việc xây dựng đường giao thông kết hợp hệ thống thoát nước là điều tất yếu. Về việc này, Thành ủy TPHCM đã có kế hoạch chỉ đạo phải đảm bảo yêu cầu đường giao thông đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (gồm hệ thống thoát nước, chiếu sáng, biển báo giao thông, hệ thống cây xanh). Các địa phương đang thực hiện đầu tư theo hướng này.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đánh giá, trong quá trình phát triển thành phố thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật, xã hội thành phố có sự phát triển vượt bậc. Hạ tầng kỹ thuật đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Sở GTVT TPHCM chủ yếu quản lý các tuyến đường có tình trạng giao thông có mật độ lớn, phức tạp, liên thông giữa các quận, huyện; quản lý toàn bộ hệ thống cầu, hầm... Hiện Sở quản lý trên 1.500km đường với kinh phí được thành phố đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Ông Cường cho hay, TPHCM sẽ tập trung tiếp cận giải quyết với từng nhóm việc cụ thể. Trong đó, tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng của các sở chuyên ngành trong quá trình quản lý hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, còn có các chủ thể khác tham gia quá trình này như: UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Lãnh đạo TPHCM khẳng định, các nhóm đối tượng quản lý hiện đã được phân cấp rất rõ đối với hệ thống hạ tầng từ vỉa hè, thủy lợi đến đường bộ... Tới đây sẽ có thêm hệ thống quản lý mới liên quan các công trình hạ tầng trọng điểm của thành phố sắp đưa vào vận hành như: hệ thống ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị, hệ thống kiểm soát triều, một số nhà máy xử lý nước thải mới... “Đây là nhóm đối tượng mà thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển để tạo sự đồng bộ, hiện đại trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời cũng có sự phân cấp rõ trong quá trình thực hiện với những cơ chế, chính sách phù hợp”, ông Cường nói.