Sau hơn 5 giờ giải cứu, chiếc xà lan đã nhẹ nhàng rời khỏi và không làm ảnh hưởng đến cây cầu, vốn là tuyến huyết mạch của các đoàn tàu Nam – Bắc.
Theo thông tin ban đầu, chiếc xà lan có số hiệu SG 4991 lưu thông trên sông Sài Gòn hướng từ Bình Dương về ngã ba Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè, TPHCM) được lai dắt bởi tàu kéo số hiệu LA 03797 do tài công Nguyễn Văn Hùng (SN 1972, ngụ Cần Đước, Long An).
Theo lời Hùng, khoảng 0 giờ 30 phút khi lai dắt được 2/3 thân xà lan qua cầu Bình Lợi thì bất ngờ 4 trụ nắp hầm nước phía sau đuôi xà lan kẹt vào gầm cầu Bình Lợi.
Mặc dù đã huy động thuyền viên trên xà lan dùng máy bơm bơm nước vào các khoang đuôi nhưng do thủy triều lên nhanh nên không thể đánh chìm đuôi xà lan để giải thoát phương tiện này.
Sự cố được báo lên Cty đường sắt Sài Gòn để thông báo tạm ngưng các chuyến tàu và phong tỏa tuyến đường phụ dành cho xe gắn máy di chuyển qua cầu.
Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này. Ông đã huy động lực lượng công an địa phương tìm các bình khí hàn gió đá tại các tiệm sửa xe, cơ khí trong địa bàn đến hiện trường để cắt phần ống nhô lên của xà lan mắc kẹt vào gầm cầu.
Thủy triều dâng cao và chảy xiết, các chiến sĩ CS PCCC đã dìm mình dưới dòng nước lạnh buốt của đêm để dùng mỏ hàn cắt từng cm sắt vừa kết hợp với bơm nước vào khoang để đuôi tàu chìm và xuống.
Sau đó theo chỉ đạo của đại tá Bửu, các nhân viên công lực tiếp tục dùng mỏ hàn cắt hai bên mạn trái phải xà lan (sát mép nước) để đưa nước từ sông vào. Sau hơn 5 giờ ngâm mình dưới nước, đuôi xà lan được đánh chìm và dần dần rời khỏi cây cầu.
Ông Trần Hữu Chiến - Phó Giám đốc Cty đường sắt Sài Gòn, sự cố xảy ra được các đơn vị phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng nên cầu Bình Lợi không bị sự cố nào nghiêm trọng. Mặt cầu chỉ bị nhích lên dao động trong khoảng 10 ly (1 cm), đơn vị sai số nhẹ, đảm bảo cho các đoàn tàu hỏa lưu thông qua cầu. Tuy nhiên sự cố xảy ra đã làm ngưng trệ 5 chuyến tàu (3 chuyến từ Bắc vào, 2 chuyến từ trong TPHCM ra).
Đại tá Trần Văn Xinh – Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy TPHCM nhận định: Nguyên nhân ban đầu do thuyền trưởng chủ quan khi không chấp hành các quy tắc giao thông đường thủy nên không quan sát biển báo về tĩnh không của cầu.
Không quan sát dòng chảy thủy triều… nên vụ việc đã xảy ra. Còn về việc xử lý vi phạm đối với thuyền trưởng, Đại tá Xinh cho biết còn chờ lấy lời khai của thuyền trưởng về quá trình điều khiển tàu kéo xà lan qua gầm cầu, chờ giám định mức độ hư hỏng của cầu như thế nào…
Mọi chi phí liên quan đến vụ việc phía thuyền trưởng phải chịu. Còn trách nhiệm của chủ xà lan, thuyền trưởng có bị khởi tố hay chỉ phạt hành chính thì phải chờ kết quả giám định mới biết.
Sự cố nói trên tái diễn vụ việc cách đây gần hai tháng. Cũng tại cây cầu nói trên, một chiếc xà lan cũng mắc kẹt dưới cầu Bình Lợi nhưng được giải thoát an toàn trong một giờ.
Cuối năm 2007, xà lan Thái Hưng 11, số hiệu CT-02025 (đăng ký tại Cần Thơ) khi lưu thông qua khoang thông thuyền cầu Bình Lợi cũng bị kẹt lại. Sau gần ba giờ bơm nước đánh chìm, lực lượng cứu hộ mới đưa được chiếc xà lan ra khỏi dạ cầu.