Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, dự án xây dựng cầu Cát Lái có vai trò kết nối đường 25C là tuyến trục chính vào sân bay quốc tế Long Thành, góp phần chia sẻ lưu lượng cho tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá đây là dự án có vai trò rất lớn trong liên kết vùng, phát triển kinh tế – xã hội của cả Đồng Nai và TPHCM.
“Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện từ năm 2019 nhưng đến nay 2 địa phương vẫn chưa thống nhất được vị trí xây dựng cầu. Đồng Nai kiến nghị TPHCM sớm cho ý kiến thống nhất về vị trí xây dựng cầu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nêu ý kiến tại hội thảo chuyên đề về quy hoạch giao thông vận tải TPHCM được tổ chức ngày 20/8.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết Sở GTVT TPHCM và Đồng Nai đã làm việc nhiều lần về vị trí xây cầu. Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sẽ yêu cầu Sở GTVT TPHCM trong tháng 8 sẽ cùng phía Đồng Nai chọn vị trí xây dựng cầu Cát Lái nhằm sớm triển khai dự án.
Trước đó, hai Sở GTVT TPHCM và Đồng Nai đã đưa ra 5 phương án xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái.
Cụ thể, phương án 1 có hướng tuyến bắt đầu từ nút giao thông Mỹ Thủy trên đường vành đai 2 phía TPHCM, đi dọc đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai và hướng Tỉnh lộ 25B phía tỉnh Đồng Nai. Dự án này có chiều dài hơn 3,1 km.
Với phương án 2, hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường vành đai 2 tại vị trí cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1 km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3 km, đi dọc nhánh Kỳ Hà và vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), sau đó kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tổng chiều dài tuyến hơn 10 km, trong đó chiều dài cầu là hơn 3,5 km.
Theo phương án 3, hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường vành đai 2 tại vị trí cách cầu Bà Cua khoảng 300 m. Tuyến đi thẳng vào khu vực cổng Cát Lái và vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), sau đó, rẽ phải đi trùng vào đường Tỉnh lộ 25B và kết nối vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Tổng chiều dài hơn 12 km, chiều dài cầu là 3,1 km.
Phương án 4 có điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam. Tuyến đi về phía Đông, vượt qua Rạch Dĩa, cắt qua đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt qua đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, (huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai).
Sau đó, tuyến rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tổng chiều dài dự án là hơn 13 km, trong đó chiều dài cầu hơn 3,5 km.
Phương án 5 có điểm đầu tuyến nằm trên trục đường Bắc - Nam, vượt qua Rạch Dĩa, đi theo đường trục quy hoạch kho B, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua kho xăng dầu Nhà Bè, vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Sau đó, tuyến rẽ phải đi trùng đường quy hoạch và nối cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tổng chiều dài tuyến gần 13 km, trong đó chiều dài cầu là 3,5 km.
Trong 5 hướng tuyến, đơn vị tư vấn nhận định phương án 1 - xây dựng cầu gần cảng Cát Lái khó khả thi do phải mở rộng lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60 lên 77 m, ảnh hưởng đến đời sống người dân và có nguy cơ gây ùn tắc.
Tư vấn đề xuất chọn phương án 2. Tuy nhiên, các bên đề nghị nghiên cứu thêm, do hướng này cũng ảnh hưởng nhiều quy hoạch phía TPHCM và nguy cơ gây ùn ứ ở nút giao Vành đai 2 và cầu Phú Mỹ...
Vừa qua, sau khi xem xét, Sở GTVT TPHCM đánh giá phương án 4: cầu kết nối từ quận 7, vượt sông qua Đồng Nai nhiều ưu điểm so với gần cảng Cát Lái. Theo cách này, điểm đầu dự án ở đường Nguyễn Hữu Thọ, đi về phía Đông vượt rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng, Huỳnh Tấn Phát, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua xã Phú Hữu, Phú Đông ở Nhơn Trạch rồi nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Phương án này cũng được cho sẽ tạo mạng lưới giao thông mới, dễ điều chỉnh quy hoạch cũng như thuận lợi giải phóng mặt bằng vì đi qua nhiều khu đất trống.