Doanh nghiệp chưa hài lòng
Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 237 trường ĐH với trên 2 triệu sinh viên và trên 70 nghìn giảng viên.
Đánh giá về chất lượng đào tạo, báo cáo của TS Thiều Huy Thuật, ThS Nguyễn Thị Ngọc, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên cho hay, đa số các doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên sau khi ra trường. Tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân sự nhưng khó tuyển người hoặc phải tốn thời gian, chi phí đào tạo lại nhân sự diễn ra khá phổ biến. Đa số sinh viên ra trường thiếu tác phong làm việc công nghiệp. Bên cạnh ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khác như sử dụng máy tính, thuyết trình, giải quyết vấn đề của sinh viên mới tốt nghiệp đều không tốt; không tích cực trong việc sử dụng các kỹ thuật cơ bản, không có ý thức về việc giữ gìn nhà xưởng sạch sẽ, thiếu kiến thức cơ bản như đọc bản vẽ thiết kế chi tiết; thiếu kỹ năng mềm trầm trọng như giao tiếp, soạn thảo văn bản...
Ngành đang khát nhân lực như Công nghệ thông tin, chất lượng sinh viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Hai tác giả cho biết theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 Developers Recruitment State, chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện đại vẫn còn thấp. Trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần. Bức tranh đào tạo ĐH các chuyên ngành khoa học xã hội còn có phần tối hơn bởi cơ hội việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp còn thấp hơn so với các ngành kỹ thuật, công nghệ.
PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết, số liệu khảo sát về hợp tác giữa doanh nghiệp và trường ĐH cho thấy chỉ có 4% hợp tác nghiên cứu, 29% là hội thảo, 30% xây dựng chương trình, 90% cho sinh viên đến thực tập. Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vai trò của mình đối với quá trình đào tạo nhân lực.
Hai tác giả cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự chênh lệch giữa chất lượng giáo dục ĐH so với yêu cầu của thị trường lao động. Trường ĐH tập trung giáo dục, đào tạo những gì đang có, không chú trọng đúng mức đến những gì xã hội cần. Việc nhiều trường ĐH không chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà doanh nghiệp, xã hội cần là lý do khiến đa số sinh viên ra trường không đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp, các tổ chức khác. Nguyên nhân là chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp. Năng lực của đội ngũ giảng viên ĐH qua nhiều năm chưa được đánh giá cao. Thậm chí đây vẫn là điểm yếu trong hệ thống giáo dục ĐH.
Băn khoăn tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc cao
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel, Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông quân đội (Viettel) chia sẻ đội ngũ nhân sự chủ chốt hiện nay của Tập đoàn và các đơn vị thành viên cơ bản tốt nghiệp các trường ĐH kĩ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kĩ thuật Quân sự, các trường ĐH kĩ thuật của 2 ĐH Quốc gia. Tuy nhiên, ông Phượng cho rằng vẫn tồn tại khoảng cách xa giữa nội dung đào tạo tại trường ĐH và thực tế của doanh nghiệp. Học viện Viettel tổ chức khảo sát 100 sinh viên xuất sắc đang tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent (những người được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ) và kết quả cho thấy, 3/4 sinh viên tự nhận xét kiến thức được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc, 2% cho rằng có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu. Ông Phượng khẳng định tỉ lệ này khá tương đồng với nhận định của các cán bộ Viettel được giao hướng dẫn, kèm cặp thực tập sinh. Kết quả này phản ánh thực trạng sinh viên tốt nghiệp thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm. Doanh nghiệp mất trung bình 4-6 tháng để đào tạo bổ sung.
Ông Phượng đưa ra băn khoăn khi có sự bất cập về công tác, đánh giá phân loại sinh viên tốt nghiệp. Như nhiều báo cáo đã chỉ ra, những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến 90%; trong khi năng lực thực tế không cách biệt quá nhiều so với các thế hệ sinh viên trước đây. “Có hiện tượng sinh viên xuất sắc nhưng không thể đáp ứng được 70% yêu cầu công việc. Rõ ràng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi, xuất sắc không tỷ lệ thuận với khả năng đáp ứng yêu cầu công việc. Trước đây, sinh viên tuy chỉ tốt nghiệp trung bình nhưng thực hành rất tốt. Còn hiện nay, giỏi, xuất sắc cũng không được như vậy”, ông Phượng nói.
Do đó, ông đề nghị cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sát với thực tế doanh nghiệp, tức là đào tạo theo “tín hiệu thị trường”. Thay vì câu hỏi đến trường “học được kiến thức gì?”, thì cần câu hỏi là “học xong có thể làm được gì?”. Theo ông Phượng, trường ĐH phải rà soát, xem xét tiêu chí đánh giá sinh viên. “Chúng ta đã đặt mục tiêu về việc xây dựng các trường ĐH có đẳng cấp, tiêu chuẩn quốc tế. Cần kiểm soát tỷ lệ giỏi, xuất sắc đúng thực chất”, ông Phượng đề xuất.
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định các trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển tri thức, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước, tạo động lực mới cho hội nhập, phát triển bền vững. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế tri thức.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định chất lượng là thước đo quan trọng để đánh giá cơ sở giáo dục ĐH. Theo ông Vinh, giáo dục ĐH phải có đột phá trong phát triển, trước hết là đột phá về chất lượng.