Phát biểu sau một cuộc họp của NATO, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết vụ nổ khiến hai người thiệt mạng gần ngôi làng Przewowdow của Ba Lan hôm thứ Ba “có khả năng là do một tên lửa phòng không của Ukraine gây ra”.
“Chúng tôi không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị các hành động tấn công quân sự chống lại NATO”, ông Stoltenberg nói.
Dù vậy, quan chức NATO tin rằng vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan “không phải là lỗi của Ukraine”. Ông nhấn mạnh Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng khi tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hôm thứ Ba (15/11), Nga đã tiến hành một cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Ukraine. Ở thời điểm đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết 85 tên lửa đã tấn công lãnh thổ Ukraine, trong khi Bộ trưởng Năng lượng German Galushchenko gọi đây là "đợt pháo kích lớn nhất" vào hệ thống năng lượng của nước này, khiến khoảng 10 triệu người Ukraine bị cắt điện.
Sau đó cùng ngày, truyền thông Ba Lan đưa tin về vụ nổ xảy ra tại một nhà máy sấy ngũ cốc ở nước này cách không xa biên giới Ukraine, khiến hai người thiệt mạng. Vụ nổ được cho là do một tên lửa bay lạc. Kiev lập tức cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ tấn công và kêu gọi NATO trả đũa, vì Ba Lan là một thành viên của liên minh.
Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận mọi trách nhiệm, và cho biết mảnh vỡ tên lửa ở Ba Lan là một phần của tên lửa phóng từ hệ thống phòng không S-300 mà Ukraine đang sử dụng.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda xác nhận tên lửa rơi xuống lãnh thổ nước này “rất có thể được phóng bởi lực lượng phòng không Ukraine”.
Ông Duda nói “đó là một tai nạn đáng tiếc”, không phải là một cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào lãnh thổ Ba Lan. Tổng thống cho rằng tên lửa đã rơi xuống Ba Lan khi lực lượng Ukraine đang cố gắng ngăn chặn các cuộc không kích của Nga. “Hiển nhiên và rất dễ hiểu là Ukraine đang tự bảo vệ mình bằng cách phóng tên lửa đánh chặn tên lửa Nga trên không. Vì vậy, Nga chắc chắn phải chịu trách nhiệm về vụ việc ngày hôm qua”, ông Duda nói.
Tổng thống Ba Lan sau đó cũng quyết định không kêu gọi tổ chức tham vấn khẩn cấp theo Điều 4 của Hiệp ước NATO. Theo Điều 4, các thành viên có thể nêu bất kỳ vấn đề quan ngại nào, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh của mình, để thảo luận tại NATO.