Việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) một lần nữa thất bại trong việc đưa ra nghị quyết về tình hình Syria - do vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc - có thể giúp cho Tổng thống Assad tránh được cú “nock-out” của phương Tây và Liên đoàn Ảrập (AL). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ông đã hoàn toàn thoát hiểm. Trái lại, chính phủ do ông cầm quyền sẽ phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn hơn từ cả trong và ngoài nước với nguy cơ nhãn tiền là một cuộc nội chiến theo kiểu "nồi da nấu thịt" giống ở Libya trước đây.
Nguy cơ nội chiến kéo dài
Phát biểu ngay sau khi kết thúc phiên bỏ phiếu tại HĐBA, một cây bút chuyên về chính trị của nhật báo "al-Nahar" tại Li-băng, ông Nabil Boumonsef, nói: "Lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc đã kích động và làm căng thẳng thêm cuộc nội chiến tại Syria. Chúng ta không thể tiếp tục nói về cuộc nội chiến trên lý thuyết nữa. Thực tế, nó đã bắt đầu".
Chuyên gia Peter Harling thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cũng chia sẻ:
“Lá phiếu phủ quyết thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với chính quyền đã gây ra cuộc khủng hoảng kéo dài 11 tháng ở Syria và đẩy đất nước ở bờ Đông Địa Trung Hải này tới sát bờ vực chiến tranh. Chính phủ cầm quyền ở Syria sẽ hành động mạnh tay hơn và nguy cơ nội chiến, vì thế, cũng sẽ rõ ràng hơn".
Những tuyên bố trên không phải không có lý. Ngay sau khi dự thảo nghị quyết của HĐBA bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu diễn ra đêm 4/2 theo giờ Việt Nam, nhiều thành phố ở Syria đã nhanh chóng chìm vào cảnh “mưa bom, bão đạn” khiến có thêm hàng trăm người thương vong.
Theo các nhân chứng tại chỗ, thành phố Homs là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nhất, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Nhiều đường ống dẫn khí đốt cũng đã bị “các nhóm khủng bố có vũ trang” phá hủy. Trong khi đó, tại tỉnh Adleb ở miền Bắc, một số binh lính đào ngũ nhân cơ hội này tấn công một trạm kiểm soát quân sự, sát hại 3 sĩ quan và bắt đi 19 binh sĩ khác.
Các nguồn tin phương Tây cho biết đã có hơn 6.000 thiệt mạng tại Syria kể từ khi bùng phát làn sóng bạo loạn từ giữa tháng 3/2011.
Trên mặt trận chính trị, lực lượng binh sĩ đào ngũ tuyên bố thành lập “Hội đồng Cách mạng cấp cao” thay thế lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA). Hội đồng này có nhiệm vụ "đẩy mạnh các hoạt động giải phóng đất nước khỏi sự cai trị độc tài của Tổng thống Assad" nhờ sự hậu thuẫn (khí tài và tiền bạc) từ bên ngoài. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) - được thành lập từ những người bất đồng chính kiến - cũng tăng cường sức ép buộc ông Assad rời bỏ quyền lực, xem đây là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Nhưng sức ép không chỉ dừng lại ở đó. Bởi, chính quyền của Tổng thống Assad không chỉ chịu cảnh "thù trong" mà còn đang phải đương dầu với sự cô lập ngày càng tăng từ phương Tây và Liên đoàn Ảrập (AL).
Bão ngoại giao chính trị tràn tới Damascus
Trong động thái mới nhất, Mỹ tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Damacus, rút toàn bộ nhân viên ngoại giao cùng Đại sứ Robert Ford về nước, đồng thời đề xuất thành lập liên minh quốc tế chống chính quyền Syria.
Gần như cùng lúc, Anh, Bỉ, Pháp, Italia và Tây Ban Nha cũng cho triệu hồi Đại sứ tại Syria để tham vấn về tình trạng gia tăng bạo lực. Đại sứ Syria tại London cũng đã được triệu đến Bộ Ngoại giao Anh để nghe phản đối về các vụ tấn công bạo lực nhằm vào người biểu tình.
Sáu nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - gồm Barain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất – cũng quyết định rút đại sứ của mình khỏi Syria, đồng thời yêu cầu đại sứ của Syria rời các nước này ngay lập tức.
Trước đó, Đại sứ quán Syria tại 7 nước là Anh, Đức, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Ai Cập cũng bị tấn công, đốt phá.
Những động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng THamadi Jebali kêu gọi tất cả các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Damascus và trục xuất đại sứ Syria để phản đối tình trạng bạo lực đang diễn biến theo hướng ngày càng đẫm máu hơn.
“Chúng ta phải trục xuất các đại sứ Syria khỏi Ảrập và các quốc gia khác. Người dân Syria muốn chúng ta hành động, đưa ra các biện pháp cụ thể chứ không chỉ bằng lời nói. Điều tối thiếu chúng ta có thể làm là cắt mọi quan hệ ngoại giao với chính quyền hiện nay của Syria”, Thủ tướng Jebali phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra ở miền Nam nước Đức.
Trước những sức ép ngày càng tăng mạnh diễn ra đồng thời trên nhiều mặt trận, giới phân tích nhận định tình trạng giao tranh, bạo loạn tại Syria sẽ còn tiếp tục kéo dài và đẩy Tổng thống Assad vào thế bí. Thậm chí, một kịch bản về việc ông Assad “phải ra đi trong trật tự” cũng đã được nhắc tới, cho dù Ngoại trưởng Nga Sergei Lavov đã tới Damascus trong ngày 7/2 với hy vọng có thể giúp vãn hồi sức ép đòi lật đổ chính quyền Assad, đồng minh Ảrập cuối cùng của Nga trong khu vực.
Và một tương lai bất định phía trước
Mặc dù "vương triều Assad" đã tồn tại 49 năm với một nền kinh tế được đánh giá khá hùng mạnh nhờ vào nguồn thu dồi dào từ dầu mỏ, song điều đó không có nghĩa ông Assad có thể dễ dàng tìm được "chốn nương thân" trong cơn hoạn nạn một khi không thể tránh được kết cục phải ra đi.
Địa điểm đầu tiên được nhắc tới là Nga, đồng minh thân cận của cả dòng họ Assad và là nước tuy công nhận nhưng không phê chuẩn hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICJ). Đây là một sự đảm bảo tuyệt vời dành cho nhà lãnh đạo hiện nay của Syria vì ông sẽ không phải lo đội tráp ra tòa trong trường hợp bị ICJ "sờ gáy". Theo một số nguồn tin không chính thức, vào ngày 16/11/2011, Phó Tổng thống Syria Farouk al-Charah từng bí mật đến Mátxcơva để thảo luận với Ngoại trưởng Lavrov về việc để ông Assad đến lánh nạn. Damascus dường như đã chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống xấu nhất vì biết rằng Mátxcơva hoàn toàn có thể bảo vệ ông Assad trước sự tức tối của phương Tây.
Địa điểm thứ hai không thể ở đâu khác ngoài Iran, đồng minh lớn nhất của Syria ở Trung Đông. Tại Iran, ông Assad có thể được hưởng một cuộc sống nhung lụa, vì Tehran "nợ" dòng họ Assad rất nhiều. Suy cho cùng, nếu không có nhà Assad, Tehran không thể tiếp tục can thiệp vào tình hình trong khu vực, cũng như không thể tài trợ và vũ trang cho phong trào Hezbollah.
Địa điểm thứ ba là các nước thuộc khu vực Nam Mỹ như Venezuela, Brazil và Argentina. Nhìn chung, các nước này có khả năng tạo cho mình một chỗ đứng trên trường quốc tế và lập luận rằng với việc tiếp nhận gia đình Assad, họ góp phần tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, nếu có sự thay đổi lãnh đạo ở cấp cao nhất, tương lai của ông Assad có thể sẽ không được bảo đảm.
Một cái tên khác cần được nhắc tới là Anh, nơi phu nhân của Tổng thống Assad được cấp quốc tịch. Tuy nhiên điều bất lợi là London lại công nhận toà án ICJ. Vì thế, ông Assad không thể lánh nạn tại đây mà không có nguy cơ một ngày nào đó sẽ bị bắt giữ theo lệnh của toà án hình sự quyền lực nhất thế giới này.
Ngoài ra, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất cũng là một sự lựa chọn cho ông Assad. Theo báo Le Figaro của Pháp, mới đây gia đình Assad đã mua bất động sản trị giá tới 60 triệu USD ở Dubai. Tuy nhiên, trở ngại lại đến từ việc ông Assad không được các nước Ảrập tin tưởng.
Và cuối cùng là cái tên Ảrập Xê-út. Trên thực tế, đây là nước đứng về trục Shiitte thân Iran, nhưng xét trên nhiều khía cạnh, việc tiếp nhận ông Assad vẫn là điều tế nhị đối với nước này. Rõ ràng, Riyadh không muốn bị mang tiếng là "nhà dưỡng lão cao cấp của các nhà độc tài" sau khi đã tiếp nhận cựu Tổng thống Tuynidi Ben Ali, Idi Amin Dada của Uganda và N. Sharif của Pakistan.
Dĩ nhiên sẽ không có nhà lãnh đạo nào muốn rời bỏ quyền lực khi chưa tới bước đường cùng. Vì vậy, nếu có phải ra đi thì cũng chỉ là sự chấp thuận miễn cưỡng. Đối với Tổng thống Assad cũng vậy. Ra đi là điều không mong muốn, nhưng khi đã không còn sự lựa chọn thì thà đối mặt còn hơn là phải nhận kết cục đau đớn như Nhà lãnh đạo Muamar Gadhafi của Libya.