Tổng thống Macron tuyên bố sẽ loại bỏ các bộ trưởng dính dáng bê bối. Ngày 20/6, bà Sylvie Goulard, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, người vừa được bổ nhiệm được một tháng từ khi ông Macron đắc cử tổng thống, đã đệ đơn từ chức do liên quan cáo buộc lạm dụng công quỹ. Bà Goulard là thành viên Nghị viện châu Âu từ năm 2009 đến tháng 5/2017. Bà nói mình vẫn có thể tại vị sau cuộc điều tra liên quan việc bà sử dụng sai công quỹ.
Tuy nhiên, quyết định từ chức được đưa ra khi Tổng thống Macron có một số thay đổi nhỏ về chính sách, sau khi ông thắng cử tại cuộc bầu cử quốc hội hôm 18/6. Bà Goulard nói rằng, cuộc điều tra có thể khiến bà khó tại vị vì chính phủ mới của ông Macron đã cam kết làm trong sạch bộ máy chính trị.
Trong bài tuyên bố từ chức, bà nói: “Tổng thống đã cam kết lấy lại niềm tin từ cơ quan công quyền, cải tổ nước Pháp và tái khởi động châu Âu. Chiến lược cải tổ này cần được ưu tiên đối với bất kỳ sự xem xét cá nhân nào”. Tổng thống Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng và đánh giá cao hành động này của bà. Ngày 20/6, lãnh đạo đảng Phong trào dân chủ của bà Goulard cho biết, họ tôn trọng quyết định cá nhân của bà.
Ngày 19/6, Tổng thống Macron đề nghị đồng minh thân thiết của mình là Richard Ferrard rời khỏi nội các và tìm người khác thay thế. Ông Ferrard là Bộ trưởng đặc trách gắn kết các vùng. Ông rời khỏi nội các để phục vụ công tác điều tra một số cáo buộc thời gian gần đây. Ông là một trong những người đầu tiên trong đảng Xã hội tuyên bố ủng hộ Tổng thống Macron và vốn được cho là ứng cử viên sáng giá cho cương vị bộ trưởng nội vụ trong nội các mới. Tuy nhiên, sau những bê bối về việc ông Ferrard thiên vị vợ mình trong một vụ cho thuê bất động sản năm 2011, ông buộc phải từ chức, dù bác bỏ mọi cáo buộc.
Một số thành viên cấp cao của đảng Mặt trận Dân tộc, trong đó có bà Le Pen, cũng đang bị điều tra sơ bộ về việc họ lạm dụng quỹ của Liên minh châu Âu (EU) cho công việc của đảng mình. Đến nay, có tổng cộng 19 quan chức Pháp đang bị điều tra sơ bộ, trong đó có cựu Thủ tướng Francois Fillon, cựu Bộ trưởng Nội vụ Bruno Le Roux.
Cùng với việc cam kết làm sạch nền chính trị Pháp sau một loạt vụ bê bối làm giảm sự tin tưởng của cử tri, Tổng thống Macron dự định đưa ra dự luật về đạo đức mới, trong đó có việc cấm các chính trị gia tuyển dụng thành viên gia đình và bắt buộc họ phải khai các quyền lợi cá nhân của mình trước khi tuyên thệ vào nội các.
Việc giành được thắng lợi tại cuộc bầu cử quốc hội vừa qua đã giúp Tổng thống Macron có toàn quyền thúc đẩy chương trình cải cách về kinh tế, cải thiện chương trình nới lỏng luật lao động, tăng trợ cấp, phúc lợi cho người dân…