Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Tổng thống Putin nhấn mạnh “lực lượng gìn giữ hoà bình Nga đang làm việc rất tích cực với tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột này, họ đang làm mọi thứ để bảo vệ dân thường”.
Ông Putin cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc đối thoại có sự tham gia của Nga, Armenia, Azerbaijan và chính quyền ở Nagorno-Karabakh sẽ giúp giảm leo thang và giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.
Ông cho biết hơn 2.000 thường dân, trong đó có hơn 1.000 trẻ em, hiện đang được cung cấp chỗ ở tại căn cứ chính của lực lượng gìn giữ hoà bình Nga ở trong khu vực.
Bình luận của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi Azerbaijan tiến hành chiến dịch mà nước này mô tả là chiến dịch chống khủng bố ở Nagorno-Karabakh hôm 19/9, cáo buộc Armenia tập trung quân đội ở khu vực này. Tuy nhiên Armenia bác bỏ cáo buộc.
Sau một ngày giao tranh căng thẳng, giới chức Nagorno-Karabakh và Azerbaijan thông báo họ đã đạt được lệnh ngừng bắn với sự trung gian của Nga. Theo các điều khoản của thỏa thuận, chính quyền khu vực tranh chấp cam kết hạ vũ khí. Thiết bị quân sự sẽ được rút khỏi khu vực này theo một quy trình do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga điều phối.
Căng thẳng Armenia – Azerbaijan có liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Xung đột bùng phát lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1980, khi hai nước vẫn còn thuộc Liên Xô và Armenia giành quyền kiểm soát một dải đất rộng gần Nagorno-Karabkah mà quốc tế đã thừa nhận là thuộc về Azerbaijan. Ở đó có một cộng đồng người Armenia sinh sống.
Năm 2020, giữa Armenia và Azerbaijan đã xảy ra cuộc chiến kéo dài 44 ngày tại Nagorno-Karabakh. Cuộc đụng độ kết thúc bằng thoả thuận ngừng bắn do Nga dàn xếp.
Vào tháng 8/2022, Baku yêu cầu “phi quân sự hóa” khu vực tranh chấp, trong khi Yerevan cáo buộc Azerbaijan cố gắng cắt đứt con đường nối Nagorno-Karabakh với Armenia.