> Tổng thống Venezuela và các ngôi sao quốc tế
> Người Venezuela khóc thương cố tổng thống Hugo Chavez
> Hugo Chavez: Người hùng ra đi, khoảng trống để lại
Sau khi ông Chavez qua đời ở tuổi 58, Phó Tổng thống Nicolas Maduro (50 tuổi, từng là tài xế xe buýt, ngoại trưởng) sẽ điều hành đất nước đến khi bầu cử được tổ chức trong vòng 30 ngày, Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua thông báo hôm qua.
Ông Maduro sẽ là ứng viên của đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất cầm quyền, còn phe đối lập chưa chọn ứng viên tổng thống, khả năng sẽ là nhà lãnh đạo đối lập Henrique Capriles. Phó Tổng thống Maduro, một người kín tiếng, hứa duy trì “di sản cách mạng, xã hội chủ nghĩa và chống đế quốc” của ông Chavez.
Vực dậy những người dưới đáy
Nhà cách mạng tự phong Hugo Chavez là nhân vật gây tranh cãi ở Venezuela cũng như trên thế giới. Là con của hai giáo viên nghèo, từng là lính dù, ngồi tù hai năm sau khi lãnh đạo đảo chính quân sự bất thành năm 1992, ông được bầu làm tổng thống năm 1998 rồi liên tục tái đắc cử ba lần, nhờ sự ủng hộ của người nghèo… Tuy nhiên, các đối thủ buộc tội ông quản lý kinh tế yếu kém, đưa đất nước tới chế độ độc tài.
Tổng thống Chavez chỉ trích “đế quốc” Mỹ, buộc tội Washington hậu thuẫn một cuộc đảo chính chống lại ông hồi năm 2002. Ông truyền cảm hứng, làm sống dậy phong trào cánh tả khắp châu Mỹ Latin. Ông thiết lập quan hệ chính trị, kinh tế với các nhà lãnh đạo cánh tả mới được bầu ở nhiều nước Nam Mỹ.
Nhiều chính sách của Tổng thống Chavez khiến người nghèo mỉm cười, nhưng khiến các tầng lớp trên, thậm chí một số nước cau mày, trợn mắt. Trường hợp của bà Celia Ramos là một ví dụ cụ thể.
Bà Celia tàn phế phải ngồi xe lăn và là người duy nhất chăm sóc đứa cháu trai 5 tuổi. Vài năm trước, bà Celia trở thành vô gia cư, vì nhà bà trong khu ổ chuột ở Caracas bị lở đất cuốn trôi. Chính phủ cấp cho bà một căn hộ trong khu đô thị mới ở ngoại ô. “Ở đây, chúng tôi có xe buýt, ga tàu điện ngầm… Trước đó, tôi chả thấy có gì… Giờ đây có trường học, có mọi thứ”, bà Celia nói.
Những phúc lợi mà bà Celia nhận được không chỉ dừng lại tại đó. Bà được nhận vào làm trong một quán cà phê do Nhà nước sở hữu, chuyên bán arepa được trợ giá. Arepa là một loại bánh làm từ ngô hoặc bột mỳ mà người Venezuela ăn hằng ngày. Hiện nay, chênh lệch thu nhập ở Venezuela thấp nhất Mỹ Latin.
Sử dụng nguồn lợi dầu mỏ để theo đuổi các chính sách xã hội chủ nghĩa, Tổng thống Chavez thực hiện một loạt chương trình nhằm cải thiện đời sống người nghèo khắp nước.
Kế hoạch Barrio Adentro của ông đã đưa hàng trăm bác sĩ Cuba tới Venezuela làm việc tại các trung tâm y tế mới ở một số vùng nghèo nhất nước.
Ngoài ra, Tổng thống Chavez lấy lại hàng chục nghìn héc-ta đất của các công ty đa quốc gia, rồi chuyển một phần cho những người dân khao khát làm nông nghiệp.
Ông cho xây dựng hệ thống cáp treo cải tiến để người dân sống trong nhà tạm trên đồi thuộc khu ổ chuột ở Caracas có thể tới trung tâm thủ đô dễ dàng hơn.
Tổng thống Chavez còn thiết lập các chương trình hằng tuần trên đài phát thanh và truyền hình để ông giải thích chính sách và khuyến khích người dân gọi điện chất vấn ông.
Theo các nhà quan sát, những chương trình này không chỉ đạt được mục tiêu đơn giản ban đầu, mà còn nâng cao vị thế của một bộ phận trong xã hội Venezuela bị bỏ rơi đã lâu.
Thậm chí, những người ủng hộ phe đối lập cũng thừa nhận tầm quan trọng của công việc xử lý bất bình đẳng xã hội mà ông Chavez thực hiện. Ông đem lại danh tính và tiếng nói cho người nghèo, không chỉ ở trong nước mà còn trên vũ đài quốc tế.
Tổng thống Chavez kiên định ủng hộ đối thoại Nam-Nam, thắt chặt quan hệ gần gũi với các tổng thống khắp Mỹ Latin có ý thức hệ tương tự.
Ông nâng vị thế của Venezuela trên sân chơi quốc tế, thành lập liên minh với bất kỳ ai phản đối Mỹ (Iran, CHDCND Triều Tiên, Libya dưới thời Đại tá Muammar Gaddafi). “Tổng thống Chavez đã đem các cơ hội tới cho những người chưa từng có chúng”, nhà phân tích chính trị Carlos Romero nhận định.
Thần khẩu hại xác phàm
Tuy nhiên, cách làm vì người nghèo của Tổng thống Chavez cũng bị lên án. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu cảm thấy bị ông cho ra rìa, bị ông gọi là esqualidos (yếu đuối, dơ dáy), nên họ phản đối ông dữ dội. Việc ông thâu tóm quyền lực, quốc hữu hóa những ngành công nghiệp quan trọng ảnh hưởng quyền lợi của tầng lớp trung lưu, thượng lưu.
“Chưa bao giờ có sự phân hóa tầng lớp mạnh như hiện nay”, ông Romero nói. Kiểu ngoa ngôn lộng ngữ của ông gây ra sự chia rẽ trong dân chúng, tạo ra một xã hội phân cực rõ rệt.
Cách quản lý kinh tế Venezuela của Tổng thống Chavez cũng bị chỉ trích. Chính sách truất hữu, sung công của một chính phủ tập quyền cao độ dẫn tới việc thiếu niềm tin, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi mà lánh xa. Năng suất nông nghiệp giảm vì có những khu đất bị thu hồi nằm trơ, không được phát triển và Venezuela chủ yếu dựa vào lương thực nhập khẩu. Nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng việc hạn định giá cả dẫn tới thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu. Các siêu thị thường trống vắng sữa, dầu ăn và đường. Suy thoái kinh tế và lạm phát lên tới 30% khiến tiền tiết kiệm của tầng lớp trung lưu teo tóp...
Phản ứng của các nước
Ngày 6-3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi điện chia buồn tới Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello và Phó tổng thống Venezuela Nicolas Maduro về việc Tổng thống Venezuela Hugo Chavez Frias qua đời ngày 5-3.
Vài giờ sau khi ông Chavez qua đời, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Tại thời điểm thách thức này, Mỹ tái khẳng định ủng hộ người dân Venezuela và quan tâm phát triển quan hệ xây dựng với chính phủ Venezuela”. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers nói: “Ông Hugo Chavez là một lực lượng làm mất ổn định ở Mỹ Latin, một trở ngại đối với sự tiến triển trong khu vực. Tôi hy vọng, cái chết của ông đem lại cơ hội cho một chương mới trong quan hệ Mỹ-Venezuela”.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gửi lời “chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình, người dân và chính phủ Venezuela” và ghi nhận đóng góp của ông Chavez đối với sự phát triển của nước này. Chính phủ Cuba tuyên bố ba ngày quốc tang; trong thông báo trên truyền hình Cuba có đoạn “ông Chavez đứng bên nhà lãnh đạo Fidel Castro như là người con trai thực sự”.
Ở Argentina, Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner tạm dừng mọi hoạt động, sau khi cái chết của bạn thân được thông báo. Tổng thống Bolivia Evo Morales nói: “Chúng ta đau buồn, nhưng sự nghiệp giải phóng của người Venezuela, người Mỹ Latin phải tiếp tục”...
Một số phát ngôn để đời
-Tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Nam Mỹ: Tôi nghĩ chúng ta đang trải qua một sự bất lực chính trị. Chúng ta cần có Viagra chính trị.
-Về cuộc sống trên Hỏa tinh: Tôi vẫn luôn nói, và nghe thấy rằng, sẽ không có gì lạ nếu từng có một nền văn minh trên sao Hỏa, nhưng có lẽ chủ nghĩa tư bản đã đến đó và khiến sự sống trên hành tinh này chấm dứt”.
-Về lễ hội Halloween ở Mỹ Latin: Cái mà họ truyền bá ở đây, một phong tục nước ngoài, là chính sách khủng bố. Họ cải trang trẻ em thành phù thủy và pháp sư, điều đó trái với văn hóa của chúng ta.
-Về Tổng thống Mỹ Barack Obama: Ông là một thằng hề, một thằng hề. Hãy để chúng tôi yên bình. Hãy chạy theo các lá phiếu của ông bằng cách thực hiện những gì ông đã hứa với người dân.
-Về quá khứ thuộc địa của Mỹ Latin: Christopher Columbus (nhà thám hiểm người Ý khám phá châu Mỹ) đi đầu trong cuộc xâm lược và diệt chủng lớn nhất trong lịch sử loài người.
-Tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững: Chúng ta đi hết cuộc họp thượng đỉnh này đến họp thượng đỉnh khác, trong khi người dân của chúng ta chuyển từ vực sâu này sang vực sâu khác.
-Về Tổng thống Mỹ George W. Bush tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc: Hôm qua, ma quỷ đã đến đây. Ngay tại đây. Đến giờ vẫn còn mùi lưu huỳnh.
-Về Israel trong chuyến thăm Iran năm 2006: Israel chỉ trích Hitler rất nhiều, nhưng họ cũng chẳng khác mấy, thậm chí tồi tệ hơn những điều Đức quốc xã đã làm.
Thái An
Tổng hợp