Tổng thống Biden trầm ngâm sau thất bại của bà Harris

TPO - Tổng thống Joe Biden trở nên trầm ngâm hơn từ sau thất bại đau đớn của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử đầu tháng này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil, ngày 18/11. (Ảnh: AP)

Sau nhiều năm cảnh báo cử tri, rằng để ông Donald Trump chiến thắng sẽ là thảm họa cho nền dân chủ Mỹ, đến nay ông Biden chọn cách không bày tỏ lo ngại của mình về những gì sắp xảy ra với nước Mỹ và ông cũng chưa lý giải về nguyên nhân khiến đảng Dân chủ thua đau trong mùa bầu cử năm nay.

Phát biểu công khai duy nhất của tổng thống đương nhiệm về kết quả bầu cử là bài phát biểu dài khoảng 6 phút tại Vườn Hồng 2 ngày sau cuộc bầu cử. Lúc đó, ông kêu gọi mọi người “hạ nhiệt” và "hãy coi nhau không phải là kẻ thù mà là những người Mỹ đồng hương".

Kể từ đó, hầu như ông không có phát biểu công khai nào về cuộc bầu cử nữa, kể cả trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày vừa qua tới Nam Mỹ.

Trong chuyến đi kết thúc hôm 19/11, ông chỉ đưa ra những phát biểu ngắn gọn trước các cuộc họp với các quan chức chính phủ và bài phát biểu liên quan đến khí hậu nhân chuyến thăm rừng Amazon.

Vào thời điểm tế nhị với Mỹ và cả thế giới, sự im lặng của Tổng thống Biden có thể tạo nên một khoảng trống, nhưng cũng cho thấy nước Mỹ và phần còn lại của thế giới vẫn sẽ phải tiến về phía trước.

"Cuộc đua của ông ấy đã kết thúc. Thời của ông ấy đã hết. Một thế hệ lãnh đạo mới sẽ vạch ra con đường khác phía trước, và tôi chắc chắn họ sẽ làm như vậy", David Axelrod, người từng là cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng của chính quyền Obama - Biden, nhận xét.

Nhà sử học Edward Frantz, công tác tại Đại học Indianapolis, cho rằng sự im lặng của ông Biden sau chiến thắng của đảng Cộng hòa cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn có lý do chính đáng để Tổng thống Biden tích cực hơn nữa để có thể định hình câu chuyện trong những tháng cuối của nhiệm kỳ.

"Lần gần đây nhất một tổng thống rời nhiệm sở mà không được công chúng chú ý hoặc từ chối là Jimmy Carter”, ông Frantz nói về vị tổng thống Dân chủ 1 nhiệm kỳ gần đây nhất.

“Lịch sử đã cho phép Carter phục hồi tuyệt vời, một phần là do tất cả những gì ông đã làm sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống. Ở tuổi 82, tôi không chắc ông Biden có đủ thời gian hay không. Ông ấy càng chờ đợi lâu thì càng không tìm được điều gì để nói, càng có nguy cơ từ bỏ việc định hình di sản của mình, ít nhất là theo cách ông nhìn nhận trong tương lai gần”, ông Frantz nói.

Các đồng minh của ông Biden cho biết Tổng thống Mỹ đã xử lý thất bại của đảng trong cuộc bầu cử một cách riêng tư, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử mới chỉ diễn ra cách đây 2 tuần. Họ cho biết ông Biden không nói thẳng về vai trò của mình trong thất bại này và vẫn còn nhiều điều phải giải quyết.

Trong bài phát biểu sau bầu cử, Tổng thống Biden nói: "Các chiến dịch chạy đua là cuộc thi của những tầm nhìn. Đất nước lựa chọn một trong hai. Chúng ta chấp nhận sự lựa chọn mà đất nước đã đưa ra. Tôi đã nói nhiều lần rằng bạn không thể chỉ yêu đất nước của mình khi giành chiến thắng".

Các trợ lý của ông Biden cho biết việc tổng thống giữ vững truyền thống bầu cử, như bảo đảm quá trình chuyển giao diễn ra hoà bình và mời ông Trump vào Nhà Trắng, là điều đặc biệt quan trọng, nhất là sau khi ông Trump đã phớt lờ những cử chỉ này 4 năm trước.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Biden không lo lắng về kết quả, dù không phát biểu công khai.

Tổng thống Biden trong chuyến thăm rừng Amazon, ngày 17/11. (Ảnh: AP)

Bị ngó lơ

Trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày tới Peru và Brazil vừa qua, Tổng thống Biden đã từ chối tổ chức một cuộc họp báo, dù đây là điều thông lệ. Ông Biden vốn đã ít tổ chức họp báo hơn so với những người tiền nhiệm, nhưng ông vẫn có những khoảnh khắc ngẫu hứng để trả lời câu hỏi của nhóm phóng viên tháp tùng. Lần này, ông cũng chưa có lần trả lời ngẫu hứng nào về cuộc bầu cử hoặc các vấn đề khác.

Trong tuần này, ông Biden đã để Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đưa ra lời giải thích công khai về quyết định quan trọng của Mỹ nhằm cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công vào đất Nga.

Ukraine là vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, nhưng đây cũng là một chủ đề nhạy cảm. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự ngay lập tức và từ lâu đã bày tỏ ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chiến thắng áp đảo của ông Trump và đảng Cộng hoà diễn ra sau khi Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris nhiều lần cảnh báo về tác động nghiêm trọng nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng. Ông Biden nói rằng nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng lo ngại điều này.

Có lẽ khoảnh khắc quan trọng nhất trong chuyến thăm của ông Biden đến Nam Mỹ là cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru. Tuy nhiên, những phát biểu của ông Biden khi bắt đầu cuộc gặp đó dường như lạc hậu so với nhà lãnh đạo Trung Quốc - đối thủ địa-chính trị mạnh nhất của Mỹ.

"Tôi rất tự hào về những tiến triển mà cả hai chúng ta đã cùng nhau đạt được", ông Biden nói và nhắc lại chuyến thăm gần cao nguyên Tây Tạng với ông Tập Cận Bình nhiều năm trước.

Ngược lại, ông Tập không nói đến ông Biden trong những phát biểu của mình mà gửi một thông điệp rõ ràng tới ông Trump.

"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ để duy trì liên lạc, mở rộng hợp tác và quản lý những khác biệt nhằm bảo đảm quá trình chuyển đổi ổn định trong mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ vì lợi ích của cả hai bên”, ông Tập nói, đồng thời thúc giục giới lãnh đạo Mỹ đưa ra "lựa chọn sáng suốt" khi quản lý mối quan hệ song phương.

Ông Biden có vẻ cũng không có tâm trạng để giao lưu với các phóng viên trong suốt thời gian ở Nam Mỹ. Kể từ ngày bầu cử, ông chỉ trả lời ngắn gọn các câu hỏi của giới truyền thông 2 lần.

Khi ông chuẩn bị lên chuyên cơ từ Rio de Janeiro để trở về Mỹ, một phóng viên thậm chí đã cố gắng lấy lòng Tổng thống Biden bằng lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 82 của ông.

"Ngài Tổng thống, chúc mừng sinh nhật sớm! Vào ngày sinh nhật của ngài, ngài sẽ nói chuyện với chúng tôi chứ, thưa ngài?".

Nhưng ông Biden lên máy bay mà không trả lời.

Theo AP