Tôn vinh người giữ lửa di sản

TPO - Trên 250 nghệ sĩ, nghệ nhân các dân tộc xứ Lạng hội tụ tại thành phố Lạng Sơn gặp mặt, bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc địa phương.

Nằm ở vùng Đông Bắc, Lạng Sơn là nơi cư trú của 7 dân tộc anh em: Nùng Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông và một số dân tộc ít người khác. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử bằng ý chí độc lập, tự cường đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đoàn kết, gắn bó keo sơn, hun đúc và từng bước khẳng định phẩm chất, tinh hoa văn hóa tốt đẹp để góp phần hình thành xứ Lạng với bề dày lịch sử văn hóa.

Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt (giữa), năm nay 102 tuổi vẫn thực hành Then cùng các đệ tử ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Phổ biến, giới thiệu làm điệu Then xứ Lạng cho giới trẻ. Ảnh: Duy Chiến.

Đậm đà bản sắc dân tộc xứ Lạng. Ảnh: Duy Chiến.

Ông Nguyễn Đặng Ân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn - chia sẻ các hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay gắn liền với hoạt động gặp mặt, tôn vinh các văn nghệ sĩ, nghệ nhân của tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, mọi người cùng trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

“Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là việc làm quan trọng, ngay từ những ngày đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 65/SL, ngày 23/11/1945 về hoạt động bảo tồn, bảo tàng. Sắc lệnh số 65/SL ngắn gọn, súc tích, ra đời đến nay đã gần 80 năm, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa. Cho đến nay đây vẫn văn kiện có ý nghĩa rất lớn về lý luận và thực tiễn, là định hướng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước, nhấn mạnh vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa”, ông Nguyễn Đặng Ân nhấn mạnh.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh, Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, kết luận, chế độ, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các nghệ nhân xứ Lạng mang Then đến Pháp biểu diễn, giới thiệu di sản văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các nghệ nhân tiêu biểu mang Then sang châu Âu biểu diễn nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Ảnh: Duy Chiến.

Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Lạng Sơn tặng Giấy khen cho các tập thể có những thành tích bảo tồn, phát triển vốn Văn hóa dân tộc. Ảnh: Duy Chiến.

Gần đây cộng đồng các dân tộc trên vùng đất biên cương Lạng Sơn đã sáng tạo, lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian phong phú. Trong đó hát then của đồng bào Tày, Nùng là loại hình mang đậm bản sắc văn hóa xứ Lạng, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Loại hình diễn xướng này đang tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị và ngày càng lan tỏa với sự đóng góp công sức của các nghệ nhân ở cộng đồng thôn, bản. Trong số này phải kể đến là Nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên, người dân tộc Nùng đã dẫn dắt Câu lạc bộ bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn sưu tầm, giao lưu, biểu diễn ở các tỉnh, thành trong nước.

Mới đây, nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên và các nghệ nhân mang Then xứ Lạng trình diễn di sản Then tại thành phố Nice và thành phố Paris, Pháp gây được chú ý của giới nghiên cứu và người xem quốc tế.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã tặng Bằng khen cho 6 nghệ nhân đã có thành tích trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.