Tôi vẽ cao nguyên đá

TP - Tôi đến cao nguyên Đồng Văn năm 1973, khi cô con gái đầu được 6 tháng tuổi. Ở Phó Bảng, Thăm Lũng Táo, Lũng Là rồi lên Đồng Văn quay về vẽ ở Quản Bạ, cuối cùng là ra cái chợ bên kia cầu Yên Biên.

> Chơi chợ vùng cao ở làng văn hóa

Lên đến vùng đất ấy tôi lần đầu biết đến nói lý người Mông khi mắng nhau: “Mắt mày xấu, mày nhìn cái gì cũng xấu”. Lại cũng lần đầu tiên biết cái lý của say: “Tao tốt bụng, ra chợ mỗi bạn mời bát rượu, tao mới được say. Xấu bụng như mày, ai mời, bao giờ mày được say”.

 Cao nguyên đá của tôi là những cảm nhận về không gian, về con người, sự đơn côi mà cứng cỏi. Cuộc sống cao nguyên là triết học về nhân sinh, con người trên đó như là một đối tác lại vừa như một chủ thể. 

Rồi những câu chuyện về mở đường hạnh phúc Mã Pì Lèng, khi có người khen tốt thì một ông lão nói lý: Bảo tốt thì cũng tốt, đi bằng đít thì tốt rồi (ý nói là ngồi ô tô), nhưng khi chưa có đường, một đồng 5 quả trứng, có đường rồi một đồng chỉ mua được 3, hỏi tốt ở chỗ nào?

Những câu chuyện lần đầu đi rẻo cao đó nêm vào đầu tôi gỡ không ra, con người cao nguyên ấy nói và nghĩ luôn gắn với đời sống, không có thứ lãng mạn suông tình, lạ vô cùng.

Rồi do công việc ở nhà xuất bản Dân Tộc nên phải đi lại miền núi thường xuyên. Sau mỗi chuyến đi tôi lại bắt gặp thêm bao nhiêu cái hay. Những trầm tích sống của con người trên cao nguyên vững như đá núi, dày như cây rừng, vấn vít như dây leo nhưng là lẽ sống rất nhân ái, không hề điệu đà thêm nếm. Họ nghĩ sao nói vậy!

Bản thân những câu chuyện đó đã cho thấy giá trị tinh thần của cao nguyên và bản sắc văn hóa của họ khá rõ nét.

Sống chen với đá -2007- Sơn dầu (90x100).

Từ đấy cầm bút sáng tác tôi hay nghĩ đến vẻ đẹp của vùng đất đó.

Làm tranh khắc tôi khắc về họ, vẽ giấy dó tôi vẽ về họ, mải miết không biết chán. Mỗi chuyến đi lại hiểu thêm một tí, chỉ như hạt vừng thôi, nhưng cái hạt đó biết nảy mầm thành cây.

Tôi qua lại cao nguyên Đồng Văn không biết bao nhiều lần. Đến nay khoảng mười mấy lần không đếm được trong 39 năm qua.

Xe lanh, 2007, Sơn dầu.

Năm 2006 tôi đi trong nhóm văn nghệ sĩ của Hội Văn hóa Các dân tộc Thiểu số lên chốt tại Đồng Văn mười lăm ngày. Có dịp ngắm đá kĩ lưỡng và phát hiện ra mối duyên nợ của mình… thầm lặng, năm 2007 tôi bắt đầu vào cuộc với ý đồ vẽ lấy một phòng tranh lên bày ở chợ Đồng Văn cho bà con sống trên cao nguyên biết thế nào là tranh, là vẽ. Cặm cụi mấy năm, đến 2010 thấy hòm hòm, tôi tìm sự giúp đỡ để cho ý đồ của mình thành hiện thực. Nhưng rồi mọi chuyện không được như ý muốn.

Núi Đồng Văn, 2007, sơn dầu.

Và hôm nay phòng tranh đành ra mắt tại Hà Nội.

“Cao nguyên đá” của tôi không phải chỉ có cao nguyên Đồng Văn mà là cả một vùng biên ải phía Bắc chạy dài từ tây sang đông, trong đó Hà Giang như một tâm điểm.

Cao nguyên đá của tôi là những con người sinh ra trên đó, như tách từ trong đá ra và bươn chải, tồn tại trên dải cao nguyên vô tận đó.

Trồng cây gì - Nuôi con gì - 2007 (Sơn dầu, 80x100).

Sự hòa nhập tuyệt đối vào thiên nhiên để tồn tại khiến con người trở nên vững như đá và đá tự nhiên trở thành một nhân tố chở che cho con người.

Cao nguyên đá không còn là đá nữa mà là cao nguyên của những con người vững như đá, chia sẻ cùng đá và cùng song hành để tồn tại mãi với thời gian.

Với tôi, giá trị cổ sinh của cao nguyên đá khi nó thành công viên địa chất toàn cầu không lớn hơn các giá trị văn hóa mà người dân rẻo cao ở đây đã xác lập. Họ giống như tách ở đá ra, sống hòa mình với đá và tồn tại mãi với thời gian. Điều đó lớn lao vô cùng vì nó trường tồn mãi trong lòng dân tộc. Giá quốc tế kia chỉ như phần xác lập trên cái giá trị vốn có của mảnh đất cao nguyên này.

Triển lãm “Cao nguyên đá” của họa sĩ Đỗ Đức khai mạc 16h30 ngày 1-11, kéo dài đến 15-11 tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền Hà Nội. Trưng bày 50 bức sơn dầu họa sĩ vẽ từ 2006 đến 2012.

Theo Báo giấy