Hàng nghìn người cùng lúc quy y
Tôi không nghĩ mình sẽ quy y, ít ra là trong… đời này. Người bỗng khiến đời tôi có bước ngoặt là một chàng trai 30 tuổi cao lớn có gương mặt phúc hậu đến từ Bhutan. Tất nhiên đó chỉ là miêu tả về mặt hình tướng của Nhiếp Chính Vương Kyabje Khamtrul Rinpoche đời thứ 9- được tôn kính là hóa thân của Đức Liên Hoa Sinh. Pháp danh của Ngài là Jigme Pema Nyinjadh.
Kể từ ngày 26-11-2011, tôi cũng mang họ Jigme của Truyền thừa Khamtrul- trực thuộc Truyền thừa Drukpa do Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII lãnh đạo. Có sự liên quan này là do Nhiếp Chính Vương đản sinh trong dòng tộc của Pháp Vương. Nếu quý độc giả quan tâm thì pháp danh đầy đủ của tôi là Jigme Dechhen Wangmo. Và không chỉ riêng tôi mà chắc hẳn mọi người có mặt tại chùa Quang Ân (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) ngày 26 và 27-11 đều hoan hỉ nhận tên mới hết cả.
Trước đó, Đức Nhiếp Chính Vương giảng pháp và hướng dẫn thực hành quán đỉnh Phật Kim Cương Tát Đỏa. Ngài hướng dẫn mọi người quán tưởng ánh sáng trắng như sữa từ luân xa tim của Phật chảy tràn xuống thân ta, còn những tồn tại tiêu cực (kể cả bệnh tật) trong ta thì hóa thành những dòng khí đen hoặc thành những con trùng độc trút cả xuống đất. Mặt đất mở ra đón lấy những thứ rác tinh thần và thể xác đó, và sau cùng khép lại…
Kế đó, tất cả vẫn ngồi tại chỗ, sẽ có sư thầy đến tận nơi phát Chứng điệp quy y trên đó có in pháp danh riêng cho từng người. Như vậy bạn sẽ nhận được một pháp danh ngẫu nhiên, chỉ phân biệt về giới tính. Vì chưa biết điều đó nên các bà các cô xung quanh cứ nháo nhác cả lên khi sư thầy chỉ phát chứng điệp cho mỗi tôi rồi đi chỗ khác. Người phụ nữ độ tuổi 50 ngồi cạnh tôi xuýt xoa hỏi mượn tờ chứng và hôn lấy hôn để vào chỗ có in hình Đức Thích Ca cùng Đức Pháp Vương và Nhiếp Chính Vương.
Không chuẩn bị tinh thần từ trước để quy y, nên tôi cũng nhẹ nhõm phần nào khi nghe sư thầy thông dịch giảng giải: Pháp danh không chỉ dùng trong đời này mà còn dùng trong các đời sau, qua cái tên này mà Đạo sư sẽ nhận ra đệ tử… À, thế có nghĩa là theo cơ duyên mình cứ nhận tên để đấy cái đã, đến… kiếp sau “chuyên tu” cũng chưa muộn.
Khi đã cầm trong tay chứng điệp rồi, tôi cùng mọi người tiếp tục được nhận các quán đỉnh bằng phẩm vật, gồm 5 thứ: khói hương, lửa (tượng trưng bằng một cây nến trắng), dây ngũ sắc, nước thiêng và thuốc tán (được giới thiệu đã ngấm hàng tỉ lời trì chú của các chư tăng). Tôi vẫn cung kính nhận các phẩm vật khác một cách bình thường, cho đến khi bỗng bị cái gì cộc vào đầu. Tôi giật mình và ngay lập tức không biết từ đâu một niềm xúc động trào dâng. Tưởng như tôi có thể khóc ngon lành lúc ấy nếu không kiềm chế. Thì ra là nhà sư ngoại quốc thực hiện nghi thức quán đỉnh bình bằng cách chạm bình nước gia trì lên đầu tôi khi tôi đang cúi và cứ tưởng sắp được rót nước vào tay… Thử nghĩ xem, nếu bạn được quan tâm ở tầm mức nghiệp quả không chỉ đời này mà còn của cả những đời trước và đời sau, bạn sẽ hiểu được nỗi xúc động đó. Điều làm chính tôi cũng khó hiểu chỉ là nguồn phát xuất nỗi xúc động đó. Thì tất nhiên là từ trong tôi. Thế có nghĩa: rất có thể có vài cái “tôi” ở trong tôi mà không phải lúc nào tôi cũng ý thức hết được?! Như vậy nếu nói “tôi chưa chuẩn bị tinh thần để quy y” e rằng chỉ đúng một phần.
Hôm sau (27-11) tôi lại tiếp tục tham dự khóa lễ của Nhiếp Chính Vương. Mỗi khóa lễ đều mang một nội dung khác nhau. Chẳng hạn 26 là lễ quán đỉnh Phật Kim Cương Tát Đỏa và Đức Hoàng Tài Bảo Thiên, còn 27 là lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, quán đỉnh Phật A Di Đà và Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.
Một “bí quyết” quan trọng để việc học bài Phật truyền đạt kết quả tốt là hành trì Bồ Đề tâm. Chẳng hạn nếu bạn muốn Đức Hoàng Tài Bảo Thiên ban cho sự giàu có thì khi cầu khẩn Ngài, bạn nên bày tỏ thành tâm mong cả nhân loại (trong đó tất nhiên có bạn) đều được đáp ứng mọi mong cầu về vật chất. Là hiện thân Chư Phật, Bản Tôn Hoàng Tài Bảo Thiên tất nhiên không có trách nhiệm đáp ứng những đòi hỏi vật chất cá nhân vụn vặt. Tương tự ở lễ cầu siêu, bạn cầu cho tất thảy các vong linh được siêu thoát cũng có nghĩa người thân đã khuất của bạn cũng có cơ hội.
Phật hiện
Trước buổi lễ Quán đỉnh Changwa Chuyển di tâm thức cầu siêu độ cho chư hương linh, mỗi gia đình nộp một danh sách người thân đã mất lên ban tổ chức, kèm ảnh càng tốt. Sau phần hành lễ kéo dài 3 tiếng, những tờ danh sách và ảnh đó sẽ được hóa cùng một tấm pa-nô lớn in những biểu tượng nhà Phật. Dòng chữ nhỏ chạy dưới tấm pa-nô ghi rõ: Bản vị siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ và nạn nhân thiên tai thảm họa. Nhiều mô-típ hoa sen vây quanh biểu tượng chữ Phạn màu trắng ở trung tâm bức tranh lớn khiến tôi không khỏi nghĩ đến một hình tượng đẹp của nhà Phật: nếu được siêu sinh ở cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, người ta sẽ thấy mình sinh ra từ một bông sen.
Khóa lễ 27-11 chứng kiến cảnh nhốn nháo hiếm có của những người tham dự. Trước khi Nhiếp Chính Vương làm lễ cầu siêu, con em Phật tử chùa Quang Ân dâng lên Ngài các tiết mục múa. Đang đến bài Cầu vồng bay lên, bỗng dưng khá đông người xem ở phía Tây sân chùa nháo nhác cả lên: “Cầu Vồng đang nổi lên thật à?”. Ngồi xem các cháu múa không đặng, tôi vác máy ảnh ra hòa vào đám người nhìn trời. Hỏi người đứng quanh thấy gì, thì họ chỉ ậm ừ, mặt vẫn đăm chiêu ngó trời.
Những người muốn thấy cầu vồng càng lúc càng đông. Tôi kiếm một chỗ cao hơn không bị cây che khuất để quan sát. Sau khi tập trung nhãn lực một hồi thì những gì tôi thấy có thể được miêu tả như sau: Mặt trời lúc đó (khoảng 3h chiều) có vẻ không hề bị mây che nhưng vẫn hiện rõ và thậm chí còn nhấp nháy (sáng hơn rồi lại tối hơn), xung quanh, các dải vân mây li ti mảnh như những sợi chỉ uốn lượn khá đẹp. Được một lúc chắc cũng chói mắt nên tôi thôi. Vài người lớn tuổi nhìn được lâu hơn tôi mô tả lại họ cũng thấy mặt trời nhấp nháy và xung quanh là nhiều màu sắc chứ không chỉ thấy mây trắng. Lại có một số miêu tả mây ngũ sắc như những con rồng chầu về mặt trời. Tôi không băn khoăn lắm về khả năng thị giác (hay “tâm giác”) của mỗi người. Vì theo triết lý Phật giáo, vạn vật đều do tâm biến hiện, chẳng loại trừ mây trời.
Người dẫn chương trình nhắc nhở đám đông giữ trật tự. Khi Nhiếp Chính Vương và các nhà sư vừa tụng niệm chưa lâu, bầu trời trên chỗ chúng tôi ngồi trở nên âm u, không xám đen như trời sắp mưa mà có thể miêu tả là xám xanh. Gió nổi lên, lá rơi, thậm chí mặt tôi còn cảm thấy một hạt nước li ti rớt xuống. “Cầu siêu có khác,” ai đó thì thào. Thậm chí mọi người lại bắt đầu xôn xao ngó nghiêng những đường lượn sóng đỏ điểm xuyết trên mây chiều ở phía Tây - ráng chiều hay bày xích long?.
Trên trang Facebook mang tên Gyalwang Drukpa của những “người hâm mộ” Đức Pháp Vương có đưa vài ảnh và đoạn video ghi những hiện tượng lạ trên bầu trời trong ngày Đức Pháp Vương, Nhiếp Chính Vương cùng tăng đoàn hành lễ tại chùa Từ Quang, TPHCM. Trong đó, đoạn video quay bằng điện thoại dài hơn 2 phút ghi lại cảnh dường như có 3 mặt trời cùng xếp kề nhau tạo thành hình “giống như người đang ngồi thiền” - theo lời miêu tả của người có mặt trong video.