Tội phạm khoác áo doanh nhân vẫn tồn tại

TP - Tại hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thẳng thắn: Thời gian qua, công an đã triệt phá nhiều vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng phạm pháp. Tuy nhiên, tình trạng tội phạm tạo vỏ bọc với mác doanh nhân, sau đó thu nạp các đối tượng tiền án, tiền sự thành băng nhóm tội phạm có tổ chức để bảo kê, chèn ép hoạt động kinh doanh, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác... vẫn tồn tại.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Thượng tướng Tô Lâm cho biết, trong năm 2016 và đầu năm 2017, lực lượng công an đã triệt phá hàng nghìn vụ án, bắt nhiều đối tượng phạm pháp hình sự. 5 tháng đầu năm 2017, công an đã kiểm tra, xử lý gần 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), xử phạt hành chính hơn 1.000 tỷ đồng, tổ chức chữa cháy 2.056 vụ, cứu được 81 nạn nhân, đảm bảo về người và tài sản cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước triệt để sử dụng những vụ việc phức tạp đặc biệt là các vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường để kích động, tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Công an, tới nay còn tồn tại gần 400 vụ khiếu kiện phức tạp liên quan tới đất đai tại 61 tỉnh, thành phố.

Thượng tướng Tô Lâm đánh giá, hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng đa dạng và phức tạp, tinh vi, gây hậu quả lớn đến sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, sự xâm nhập can thiệp của tội phạm hình sự đến các lĩnh vực kinh tế thông qua việc lập các doanh nghiệp để tạo vỏ bọc sau đó thu nạp các đối tượng có tiền án, tiền sự, hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức bảo kê, chèn ép hoạt động kinh doanh, cưỡng bức tài sản, tổ chức tín dụng đen siết nợ, đòi nợ thuê, can thiệp vào hoạt động đấu thầu các hợp đồng hợp tác kinh tế đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Tiếp đó là tội phạm kinh tế tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả vi phạm pháp luật môi trường; tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp tại hầu hết các lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, không ít trường hợp lợi dụng chính sách khấu trừ hoàn thuế VAT để chiếm đoạt tiền, chuyển giá, trốn thuế, hoạt động kinh doanh đa cấp trên mạng, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản...Theo đó, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 1.778 vụ buôn lậu, 165 vụ buôn bán, sản xuất hàng giả, 256 vụ trốn thuế, 7.902 vụ vi phạm pháp luật về
môi trường.