Tối hậu thư cho chủ tàu biển cũ nát

TP - Ngày 14-3, Bộ GTVT họp bàn giải pháp xử lý các tàu biển của doanh nghiệp Việt Nam neo đậu lâu ngày không còn khả năng khai thác. Theo đó, bộ này ra “tối hậu thư” xử phạt chủ tàu không đảm bảo an toàn (cho tàu), nợ đọng phí neo đậu...

> Tài sản trăm tỷ 'vạ vật' trên biển vì cơ chế
> Hơn một nghìn tàu biển cũ nát chờ thành phế liệu

Tại cuộc họp, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công lo ngại trước tình trạng các tàu biển neo đậu dài ngày hoặc bị bỏ rơi trong các vùng nước cảng biển.Ông Công nói: “Các tàu này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh hàng hải. Đặc biệt, gây cản trở hoạt động của tàu bè trên tuyến luồng, gây thiệt hại về người và của. Do đó, việc xử lý những con tàu là này cần thiết để đảm bảo vấn đề an toàn, an ninh hàng hải và môi trường”.

Ngoài 41 tàu đã thống kê, ông Công yêu cầu các đơn vị rà soát, thống kê toàn bộ tàu của doanh nghiệp Việt Nam đăng ký cờ nước ngoài.

Sau đó, mới đề xuất giải pháp xử lý chung cho các tàu này và cả tàu bị bỏ rơi phát sinh sau này, đặc biệt, sẽ ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tranh thủ nhập tàu cũ về trước thời điểm ra quyết định cho phép phá dỡ.

Ông Hồ Hữu Hoà, Vụ phó Pháp chế (Bộ GTVT) đưa ra 3 phương án xử lý tàu: Một là, doanh nghiệp tìm nguồn hàng để chạy chuyến cuối cùng và tìm nơi phá dỡ luôn ở nước ngoài; thứ hai, bán tàu để phá dỡ luôn ở nước ngoài; thứ ba, chủ tàu tuyên bố hủy đăng ký ở nước ngoài, tuyên bố tàu mất tính năng tàu biển. Lúc đó, tàu chỉ là một tài sản thì việc mang “xác tàu” sẽ dễ hơn.

Thứ trưởng Công còn chỉ ra thực tế vô lý là các tàu biển, đơn cử tàu của Vinashinlines đỗ hàng năm trời trong vùng nước cảng vụ mà không đóng đồng phí nào. Hiện, cũng không có quy định nào để bắt chủ tàu phải trả tiền.

Do đó, “cần xem xét các quy định về tàu gây mất an toàn, an ninh hàng hải, hệ lụy ra sao… Nếu kiểm tra lại đúng như thế, thì sẽ làm việc với các chủ tàu nợ tiền. Quan trọng nhất là tàu gây mất an toàn hàng hải thì chủ tàu chịu trách nhiệm sao…”- Ông Công nói.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, Cảng vụ địa phương có thể khởi kiện chủ tàu neo đậu lâu ngày, gây mất an toàn hàng hải và nợ đọng tiền phí. Đây là việc chưa có tiền lệ đối với cơ quan quản lý tàu biển ra vào cảng. Hơn nữa, cơ quan cảng vụ không có nguồn kinh phí để thực hiện các thủ tục khởi kiện ra tòa để bắt giữ tàu và phát mại tài sản.

Tuy vậy, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Cục hàng hải Việt Nam) cho rằng: “Kinh nghiệm từ Hy Lạp - nơi có một bãi xác tàu chìm lớn nhất thế giới- cho thấy, nếu quy định cứng như vậy thì có khả năng doanh nghiệp tự đánh chìm tàu, cũng nhằm trục lợi bảo hiểm”.

Theo Báo giấy