"Tôi đi tìm mẹ tôi!"

Tanya Bakal cứ phải lay hoay với cái tên Việt Nam của mình: Nguyễn Thu Kim Phụng. Cách đây ba mươi năm, cô đã đánh mất cái tên đó, cùng với mẹ ruột và cội rễ của mình khi bị "bốc" sang Mỹ.

Cùng với 19 trẻ mồ côi đến Mỹ từ 30 năm trước, trong một chiến dịch của quân đội Mỹ có tên "Operation Babylift" (Di tản Trẻ thơ)  ngay trước ngày 30.4.1975, Bakal sẽ trở lại Sài Gòn để tìm lại mẹ ruột.

Được biết, có tới trên 3.000 trẻ em được di tản qua Mỹ sau chiến tranh. Chúng chưa biết nói và hầu hết tên tuổi của chúng đều bị thay đổi. Như trường hợp của Bakal, cô thậm chí còn không biết cả ngày sinh chính xác của mình. Họ, những đứa trẻ bị di tản, đã hoàn toàn đánh mất quá khứ của mình.

Một tuổi thơ "giông bão"

 Ngày 02.4.1975, Bakal là một trong số 57 đứa trẻ mồ côi được World Airways đưa ra khỏi Việt Nam trong một chuyến bay bí mật. Tin tức của chuyến bay này nhanh chóng lan truyền, ngay hôm sau, TT Gerald Ford bị tràn ngập bởi các cú điện thoại yêu cầu hãy làm cái gì đó để "cứu" các em bé VN. Sau đó, chính phủ Mỹ đã di tản thêm vài ngàn trẻ em rời đất mẹ trong khi Sài Gòn sắp thất thủ trong tháng Tư.

Nhưng dù sao, Bakal vẫn còn quá may mắn. Đáng lẽ ra, Kim Phụng đã có tên trong danh sách ra đi trên chuyến bay C5A, cùng với 330 trẻ em và người lớn khác. Nhưng chiếc máy bay nay đã bị rơi tan tành sau đó và cướp đi sinh mạng khoảng một nửa số hành khách.

Tuy nhiên, với Kim Phụng, tất cả mới chỉ là bắt đầu. Đến Mỹ, cô được hai vợ chồng người Mỹ da trắng là Reed và Laura Dilbeck nhận làm con nuôi. Cô lớn lên trong khu phố hầu hết là người Mỹ da trắng, thị trấn Marietta gần Atlanta. Trưởng thành, lúc cô làm nhân viên thu ngân ở một cửa hàng tạp phẩm, một cựu chiến binh Mỹ có lần gọi cô bé là “gook” (tiếng khinh miệt chỉ người da nâu hoặc da vàng). Trong nhiều năm Bakal chỉ mong đôi mắt mình rộng, lớn bự, tròn xoe lên cho giống người da trắng!

Nói về mẹ ruột của mình và người cha, mà cô tin là một người lính Mỹ, Bakal thẳng thừng: “Trước đây, tôi không bao giờ muốn tìm họ! Hầu hết những đứa trẻ ngày xưa nay đã mất nền văn hoá, bị Mỹ hoá và không muốn trở về quê mẹ".

Nhưng giờ đây, khi đã 31 tuổi, Bakal thực sự cháy bỏng ước muốn được tìm lại quá khứ ấy.

"Biết đâu nguồn cội"

Chương trình "Con nuôi Chiến tranh Việt Nam" sẽ đưa Bakal bay trở về quê nhà vào tháng tới để tìm lại nguồn cội. Bakal bắt đầu tìm kiếm giấy tờ lai lịch của mình khi cô đã có 3 đứa con và nảy sinh ý nghĩ sẽ trở lại VN. Cô lục tìm lại các kỷ vật ít ỏi: chiếc passport từ Việt Nam, tấm ảnh một bé gái mỉm cười là cô ngày xưa và các bài báo cũ nói về câu chuyện di tản của cô.

Nhiều tuần liền, Bakal đã nhờ một tờ báo tiếng Việt đăng tin tìm người thân và tấm ảnh của cô lúc còn nhỏ với hy vọng mẹ ruột có thể nhận ra và tìm đến cô. Bakal hy vọng chuyến về lần này của cô thật sự là cuộc đoàn tụ và trả lời đầy đủ nhất cho biết bao câu hỏi có sẵn trong đầu.

Bakal - Kim Phụng nói: “Bây giờ tôi cảm thấy như mình là một phần của lịch sử. Cảm giác thật sự rõ rệt là: tôi muốn đi tìm mẹ tôi!”.